Cả nước đã có 102 ca tử vong do sốt xuất huyết

Tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn đang phức tạp tại nhiều địa phương khi số ca mắc vẫn cao, người mắc cần cảnh giác theo dõi giai đoạn dễ biến chứng nặng.

Chú thích ảnh
Điều trị người bệnh sốt xuất huyết nặng tại cơ sở y tế. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận tổng cộng 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 102 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (54.219/21) số mắc tăng 4,8 lần, số ca tử vong tăng 81 trường hợp.

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên với số ca mắc và số ca tử vong ở mức cao; tại khu vực miền Bắc, dịch sốt xuất huyết cũng đang gia tăng tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 1.034 trường hợp mắc sốt xuất huyết; thêm 48 ổ dịch sốt xuất huyết mới.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng số trên 6.700 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Theo các chuyên gia, hiện đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết trong năm, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, vừa qua, kết quả giám sát của Hà Nội cho thấy, nhiều điểm trên địa bàn có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng; nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng rất lớn nếu không có các biện pháp phòng chống.

Đáng chú ý, gần đây cùng với tăng số ca mắc, các cơ sở y tế cũng đã ghi nhận nhiều ca biến chứng nặng, thậm chí nguy kịch do sốt xuất huyết.

TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, nhất là thời tiết mưa nhiều, muỗi truyền bệnh phát triển, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh, mỗi người dân cần cảnh giác phòng bệnh; nhất là khi bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Theo đó, người dân cần chú ý, bên cạnh việc phòng dịch lây lan, với người mắc sốt xuất huyết Dengue cần được theo dõi sát, nhất là giai đoạn bệnh diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4 trở đi, đây là giai đoạn bệnh nhân có hiện tượng thoát huyết quản, dễ nguy hiểm tới tính mạng. Trong giai đoạn này, bệnh nhân cũng có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo và dễ bị sốc Dengue.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, nhiều người có thể nhầm lẫn giữa cúm và sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết với COVID-19 mà chủ quan với các biến chứng của sốt xuất huyết. Vì vậy, nếu người dân khi có bất kỳ triệu chứng như: Sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán để nếu mắc sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ có phương án theo dõi, điều trị kịp thời.

 

PV/Báo Tin tức
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng gia tăng, TP Hồ Chí Minh phân tầng điều trị​
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng gia tăng, TP Hồ Chí Minh phân tầng điều trị​

Dịch bệnh sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam vẫn đang có diễn biến phức tạp khi số ca mắc và số ca nặng và số ca tử vong liên tục gia tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáng chú ý, số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đã tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN