Bắc Giang vẫn tiếp tục là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 105 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Bắc Giang trong đợt dịch này đến nay đã lên tới con số 1.024.
Cũng trong ngày 24/5, Bắc Ninh ghi nhận 38 ca, Hà Nội 21 ca, Lạng Sơn 11 ca, Hải Dương 5 ca, Điện Biên 2 ca…
Tính đến 18 giờ ngày 24/5, Việt Nam có tổng cộng 3.918 ca ghi nhận trong nước và 1.486 ca mắc COVID-19 nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 2.348.
Trong ngày 24/5, đã có thêm 73 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nhưng lại có thêm 2 ca tử vong. Đó là bệnh nhân số 3015 (nam, 50 tuổi), tử vong đêm 23/5 do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm SARS-CoV-2 trên nền bệnh xơ gan cổ trướng. Tiếp theo là bệnh nhân 4807 (nữ, 38 tuổi), tử vong lúc 4 giờ 30 phút ngày 24/5 do sốc nhiễm khuẩn trên nền bệnh viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển ARDS.
Chiều 24/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lây lan nhanh, nhất là tại một số khu công nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả chiến lược vaccine ngừa COVID-19. Đó là nhanh chóng tiếp cận các nguồn để mua vaccine; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine; có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp theo từng giai đoạn, đối tượng ưu tiên; chi tiêu hợp lý để dành ngân sách phù hợp cho chiến lược vaccine; nghiên cứu xây dựng quỹ vaccine để huy động các nguồn xã hội hóa, công khai, minh bạch, khách quan cả hình thức, quyên góp, ủng hộ và sử dụng quỹ...
Tại cuộc họp trực tuyến với Bắc Ninh, Bắc Giang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, giao Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, ban hành văn bản hướng dẫn yêu cầu tất cả những người làm việc trong các khu công nghiệp tập trung và người làm việc trong các nhà máy phải khai báo y tế. Nhấn mạnh rằng Bắc Ninh, Bắc Giang là hai tỉnh đầu tiên “thực chiến” phòng, chống dịch bệnh trong khu công nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị rằng nếu tất cả các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế, các bộ, ngành chưa phù hợp với thực tiễn thì hai tỉnh cần linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho các khu công nghiệp khác, cho các tỉnh khác.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay của Bắc Giang vẫn là công suất xét nghiệm, dù đã được nâng lên nhưng do vừa tập trung trọng điểm, vừa sàng lọc diện rộng nên mỗi ngày vẫn còn tồn lại 20.000 đến 30.000 mẫu xét nghiệm chưa trả được kết quả trong ngày. Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang lắp đặt thêm máy xét nghiệm để hỗ trợ tỉnh Bắc Giang. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc xây dựng Bệnh viện Dã chiến số 2 với 620 giường bệnh nhưng đang thiếu lực lượng vận hành, cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Công an.
Từ sáng 24/5, Bệnh viện K cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp sẽ gỡ bỏ phong tỏa, hoạt động trở lại. Dự kiến sáng 25/5, hai cơ sở trên sẽ chính thức tiếp nhận khám và điều trị cho người bệnh, sau khi hoàn tất công tác phun khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ bệnh viện.
Trong ngày, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác y tế và phòng, chống dịch tại Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Hiện tại, bệnh viện quản lý và chăm sóc 226 bệnh nhân của Bệnh viện K và 65 người nhà. Các bệnh nhân và người nhà đã cách ly được 17 ngày, được xét nghiệm 3 lần và đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, sẽ đủ 21 ngày cách ly vào ngày 28/5.
Thứ trưởng đề nghị Bệnh viện K chủ động liên hệ với các Sở y tế, các cơ sở y tế của các bộ, ngành để triển khai thực hiện, bảo đảm các nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các trường hợp chuyển viện, chỉ bàn giao các trường hợp tại các khoa không có ca bệnh, xét nghiệm 2 lần gần nhất âm tính, bảo đảm tuyệt đối không để lọt các ca COVID-19…
Sáng 24/5, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu và các nhà tài trợ trao nhiều suất quà hỗ trợ cho tỉnh Bắc Ninh phòng, chống dịch COVID-19; đề nghị tỉnh luôn luôn đặt công tác phòng, chống dịch bệnh trong trạng thái cao. Tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, với tốc độ lấy mẫu xét nghiệm nhanh và số lượng xét nghiệm lớn; thiết lập các khu cách ly, thiết kế năng lực cách ly tập trung 20.000 người; thành lập 7.000 tổ an toàn COVID-19 trong doanh nghiệp.
Trong ngày 24/5, Hà Nội ghi nhận chùm ca bệnh tại Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) và tòa nhà Park 11, Khu đô thị Times City (quận Hoàng Mai). Trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu, người dân các tỉnh, thành phố trên cả nước về Hà Nội từ ngày 10-24/5 phải khai báo y tế bằng nhiều hình thức, làm xong trong ngày 25/5. Với những người trở về Hà Nội hoặc đến Hà Nội làm việc từ ngày 25/5 trở về sau phải khai báo y tế trong vòng 24 giờ. Đặc biệt, Hà Nội siết chặt công tác quản lý tại các khu vực có nguy cơ cao như bệnh viện, khu công nghiệp, khu chung cư, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19...