Bác sỹ Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, trong ngày 24/3, đơn vị này tiếp nhận một trường hợp là bệnh nhân nữ (sinh năm 1979) có cùng bệnh cảnh tương tự với bệnh nhân đã nhập viện trước đó (khó nuốt, nói đớ, tứ chi yếu, chóng mặt). Sau đó, trong đêm 25/3, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận thêm 2 trường hợp tương tự, đều là bệnh nhân nữ. Cả 4 trường hợp này đều cùng sử dụng bún riêu chay tại một miếu thờ ở tỉnh Bình Dương.
Về tình hình sức khỏe của các bệnh nhân, hiện hai ca bệnh vừa vào bệnh viện đêm 25/3 đang được cho thở oxy, sức cơ yếu. Còn hai ca đầu tiên nhập viện trong tình trạng khá nguy kịch, tuy nhiên sau khi được sử dụng thuốc giải độc tố clostridium botulinum - tác nhân chính được xác định có trong pate chay gây ra ngộ độc, hiện sức cơ có cải thiện tốt.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bé gái 16 tuổi đang bị suy hô hấp, thở máy, đồng tử giãn 5mm, sức cơ chỉ 1/5 cũng được truyền 2/3 lọ huyết thanh kháng độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 25/3. Sau 3 giờ, bệnh nhi có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn. Đến 1 giờ 30 phút sáng 26/3, bệnh nhi có thể rung được cơ đùi, đồng tử 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.
Các bác sỹ nhận định, biểu hiện lâm sàng cải thiện sau truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là bằng chứng cho thấy đây là những trường hợp ngộ độc thức ăn pate do độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum gây ra.
Các y bác sỹ Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn đang tiếp tục điều trị tích cực cho các bệnh nhân.
Như vậy, tính đến sáng 26/3, đã có 6 trường hợp ngộ độc do ăn pate chay tại Bình Dương, trong đó có 4 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, một trường hợp điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và một trường hợp điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã được gia đình xin về.