Tập huấn điều trị sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng và hậu COVID-19 cho gần 1.000 cán bộ y tế

Ngày 26/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tổ chức lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến về công tác điều trị bệnh dịch sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng và hậu COVID-19 cho các cán bộ y tế 32 tỉnh phía Nam, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện bộ, ngành, cùng 300 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tập huấn diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng trong vài tuần vừa qua. Mỗi tuần, cả nước ghi nhận trên 4.000 trường hợp sốt xuất huyết, trên 2.000 trường hợp tay chân miệng, có một số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết nặng và một vấn đề đang được quan tâm là khám, điều trị đối với các trường hợp hậu COVID-19.

Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhân lực tham gia trong chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết, tay chân miệng có nhiều biến động. Một số bác sĩ có kinh nghiệm đã chuyển công tác khác, một số bác sĩ, điều dưỡng mới tham gia.

Do đó, lớp tập huấn hướng dẫn điều trị, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng lâm sàng trong chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết, tay chân miệng, bảo đảm điều trị đúng và kịp thời, hạn chế chuyển nặng và giảm tử vong  do sốt xuất huyết, tay chân miệng và khám chữa bệnh hậu COVID-19.

Phát biểu tại đây, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các học viên tham dự tập huấn tiếp tục tư vấn cho lãnh đạo Bệnh viện thực hiện rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết Dengue. Các bệnh viện bố trí phòng khám lại, thời gian khám lại các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue vào các khung giờ phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh sốt xuất huyết Dengue và người bệnh khác.

"Các bệnh viện cần tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh có diễn biến nặng lên. Đồng thời, các đơn vị khám, chữa bệnh cần ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết; tăng cường và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue”, “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue” để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết...", Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh lưu ý.

Tại lớp tập huấn, gần 1.000 cán bộ y tế bác sĩ của các bệnh viện Trung ương, tỉnh, huyện, Trung tâm Y tế, bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân đã nghe các giảng viên là các chuyên gia đến từ các bệnh viện Trung ương, chuyên ngành về điều trị sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng và hậu COVID-19 cập nhật thông tin, truyền đạt, các kinh nghiệm trong công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng và hậu COVID-19.

Lê Hảo   (TTXVN)
5 tháng năm 2022: Hơn 5.500 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế cảnh báo dịch gia tăng
5 tháng năm 2022: Hơn 5.500 ca mắc tay chân miệng, Bộ Y tế cảnh báo dịch gia tăng

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng trong thời gian tới đây... Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 5.500 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh hiện chưa có vaccine phòng bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN