Tăng cường quản lý thức ăn đường phố, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Vụ nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ thịt xảy ra tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai) khiến 560 người nhập viện cấp cứu được xem là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa khu vực Long khánh tích cực điều trị cho khoảng 250 bệnh nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì thịt.

Ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang tăng cường công tác quản lý thức ăn đường phố, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Thức ăn nhanh bán đầy đường

Ghi nhận của phóng viên TTXVN cho thấy trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, thức ăn đường phố có mặt ở khắp nơi. Từ vỉa hè đến các cổng trường học, công viên, khu du lịch...; thậm chí trong các con hẻm nhỏ, chỉ cần bước ra đường là có thể mua được đồ ăn. Các loại thức ăn nhanh được chế biến sẵn, bày bán bắt mắt, như: thịt xiên nướng, xúc xích, cá viên chiên…, người mua cũng ít quan tâm đến việc thức ăn của cơ sở đó có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hay không.

Chị N.C.T.N, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hoà, Đồng Nai cho biết, chị thường xuyên vào ca làm việc từ sáng sớm nên không thể tự chuẩn bị đồ ăn sáng tại nhà. Trên đường đi làm, chị thường hay lựa chọn mua những loại thức ăn nhanh, như: bánh mỳ, bánh bao, bánh cuốn…, mang tới công ty ăn sáng.

“Cứ mua ăn mỗi ngày vậy thôi chứ có bao giờ để ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm đâu, mọi người cũng đều ăn như mình cả mà”, chị N.C.T.N chia sẻ.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai (Sở Y tế Đồng Nai), riêng với thức ăn đường phố, trong hoạt động kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, các đoàn công tác liên ngành vẫn kiểm tra một số điểm bán thức ăn đường phố có địa chỉ cố định. Tuy nhiên, số lượng các điểm bán thức ăn đường phố trên địa bàn quá nhiều, nhiều xe đẩy, gánh hàng rong không cố định nên rất khó quản lý, dù ngành đã rất nỗ lực. 

Tại thành phố Long Khánh, sau khi xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm liên quan đến cơ sở bán mỳ thịt, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các địa điểm kinh doanh ăn uống. Ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh cho biết, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã tăng cường rà soát, kiểm tra các nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, hàng rong… nhằm phát hiện sớm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối với các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động kinh doanh.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, trước khi xảy ra vụ nghi ngộ độc, Sở Y tế Đồng Nai đã có những văn bản về việc tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vụ nghi ngộ độc xảy ra tại thành phố Long Khánh khiến số lượng lớn người dân bị ảnh hưởng là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế đang phối hợp cùng các địa phương thực hiện rà soát, chấn chỉnh nghiêm túc các hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc vào mùa nắng nóng

Chú thích ảnh
Lãnh đạo UBND thành phố Long Khánh (Đồng Nai) thăm hỏi, động viên các bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. 

Thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai cho biết: Kết quả xét nghiệm mẫu máu của 3 bệnh nhi nặng nhất trong vụ nghi ngộ độc cho thấy các bệnh nhi bị nhiễm trùng E.coli. Ngày 6/5, Sở Y tế Đồng Nai sẽ có báo cáo về kết quả nhiễm trùng E.coli khi xét nghiệm máu có phù hợp với kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn hay không.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cao điểm các vụ ngộ độc thường xảy ra vào đầu mùa hè hàng năm. Nguyên nhân là do chuyển mùa, thời tiết nắng nóng, nhất là năm nay nắng nóng rất khắc nghiệt. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển trong thức ăn nên rất dễ xảy ra những vụ ngộ độc do vi khuẩn.

Để hạn chế nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, đối với người sản xuất, chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến. Trường hợp thức ăn chế biến ra không bán ngay, phải luôn bảo quản ở nhiệt độ lạnh để đảm bảo an toàn.

Đối với người tiêu dùng, trong quá trình ăn uống, cần lựa chọn những cơ sở uy tín, đã được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế lựa chọn những điểm bán hàng rong, điểm bán ngoài đường phố vì đây là những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là trong thời tiết mùa hè nắng nóng - ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Lê Xuân (TTXVN)
Vụ nghi ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai: Hỗ trợ học sinh ôn tập và thi học kỳ sau khi khỏi bệnh
Vụ nghi ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai: Hỗ trợ học sinh ôn tập và thi học kỳ sau khi khỏi bệnh

Chiều 4/5, ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn, thành phố, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo có giải pháp hỗ trợ việc học, ôn tập và thi học kỳ cho các học sinh bị ảnh hưởng, giúp các em ổn định tâm lý, yên tâm điều trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN