Ngày 20/2, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh nhân K.O được bệnh viện địa phương chuyển đến vào ngày 18/1 trong tình trạng lột toàn bộ da đầu và đứt vành tai, lộ xương sọ.
Qua ghi nhận, trong quá trình làm việc tại máy kéo sợi, nữ bệnh nhân không đội mũ bảo hộ, khi cúi người về phía trước để làm việc thì bị lực hút của máy kéo sợi hút tóc gây nên vết thương lóc da đầu toàn bộ. Bệnh nhân K.O được đưa đến Bệnh viện đa khoa Gò Dầu sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Xuyên Á Tây Ninh và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trong lúc bệnh nhân K.O được đưa đi cấp cứu thì công nhân tại công ty đã lấy mảng da đầu bị lóc bỏ vào túi nylon chứa trong thùng đá và chuyển đến bệnh viện sau đó.
TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng phẫu thuật và tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngay khi tiếp nhập người bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, làm các xét nghiệm, khám chuyên khoa và không phát hiện tổn thương sọ, nội sọ. Ngay lập tức, các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau đã quyết định phẫu thuật cấp cứu, nối lại toàn bộ phần da đầu bị lóc cho bệnh nhân.
“Khó khăn nhất khi phẫu thuật là da đầu bị lóc ra, các mạch máu nuôi gần như bị dập nát gây khó khăn khi nối lại cho bệnh nhân. Toàn bộ phẫu thuật đều thực hiện dưới kính hiển vi. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã chia làm 2 êkíp, 1 êkíp tìm mạch máu da đầu và 1 êkíp tìm mạch máu của bệnh nhân”, bác sĩ Ngô Đức Hiệp nói.
Ca phẫu thuật kéo dài 4,5 tiếng và đã thành công, bệnh nhân được theo dõi sát. Sau 1 tháng, tóc bệnh nhân đã mọc lại, hồi phục ngoạn mục. Bác sĩ Ngô Đức Hiệp cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân bị lóc toàn bộ da dầu do tai nạn lao động và đã được phẫu thuật nối lại thành công.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, thành công của ca phẫu thuật này do tận dụng được thời gian vàng và cách bảo quản phần da đầu bị đứt rời đúng cách của các công nhân. Nếu để qua 6 tiếng đầu thì tỷ lệ sống của mảnh da đầu ghép không còn nhiều.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận 8 -10 ca lóc da đầu, chủ yếu do tai nạn lao động. Đa số bệnh nhân từ các tỉnh xa, sơ cứu không đúng cách và đến viện trễ nên không phẫu thuật nối được.