Nhà nghỉ dành cho thân nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy: Chốn an trú yêu thương

Ở Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ bệnh nhân mà người nhà của họ cũng được bố trí một khu vực nghỉ ngơi. Nơi đây đã trở thành điểm nghỉ ngơi an toàn, chốn an trú yêu thương.

Chú thích ảnh
Khu vực chờ miễn phí trong nhà nghỉ dành cho thân nhân. 

Từ tháng 12/2022 đến nay, nhà nghỉ dành cho thân nhân người bệnh trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy đã trở thành nơi nghỉ ngơi thường xuyên của vợ chồng ông Thạch Quang Sơn (65 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) trong hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư vú của vợ ông - bà Bùi Thị Thanh Vân.

Sau phẫu thuật, bà Vân phải trải qua quá trình hóa trị và xạ trị. Cứ 3 tuần một lần, vợ chồng ông khăn gói đến Bệnh viện để hóa trị, mỗi lần kéo dài 3-4 ngày. Nhờ có nhà nghỉ thân nhân giá rẻ và cơm từ thiện của bệnh viện, vợ chồng ông mới cầm cự được đến ngày hôm nay.

Cùng ở chung phòng với vợ chồng ông Sơn là bà Lê Thị Triền (62 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) - một bệnh nhân ung thư vú khác. Không có người thân đi cùng, mỗi đợt hóa trị kéo dài từ 3 ngày đến 1 tuần, bà Triền đều đăng ký chỗ ở trong nhà nghỉ này. Bà cho hay, do cùng cảnh ngộ, những thân nhân, người bệnh khi đăng ký lưu trú ở nhà nghỉ đều coi nhau như người thân. Mỗi lần hóa trị xong về đến nhà nghỉ, bà đều nhận được sự hỏi han, động viên của người cùng phòng, mọi người còn đi lấy cơm từ thiện giúp. Các thành viên trong phòng coi nhau như người thân, chia sẻ vui buồn cùng nhau.

Thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trước đây, thân nhân người bệnh đang điều trị khu hồi sức và bệnh nhân ung thư hóa trị, xạ trị điều trị ngoại trú thường tập trung ở một khu vực trong bệnh viện. Hầu hết họ phải trải chiếu, căng bạt dã chiến để nghỉ ngơi, tránh mưa gió, rất cực khổ.

Do đó, từ năm 2018, Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng nhà nghỉ dành cho thân nhân quy mô 4 tầng lầu. Tầng trệt là khu vực miễn phí dành riêng cho thân nhân của người bệnh đang cấp cứu, phẫu thuật. Ở đây được bố trí các màn hình hiển thị thông tin người bệnh, có ghế ngồi, nước uống, trạm sạc điện thoại, wifi miễn phí. Khu vực lầu 2 là 18 phòng nghỉ từ 8 - 10 giường/phòng, mỗi giường nghỉ có giá từ 30.000 - 50.000 đồng/ngày. Lầu 3, 4 là khu dịch vụ cao với các phòng ở khép kín trang bị đầy đủ ti vi, máy lạnh, tủ lạnh dành cho thân nhân có nhu cầu.

Để đảm bảo an ninh trật tự trong nhà nghỉ, hệ thống quét dấu vân tay được triển khai, kiểm soát người ra vào 24/24 giờ. Nhà nghỉ còn bố trí hai phòng dành riêng cho bệnh nhân vừa trải qua quá trình hóa trị, xạ trị để họ được yên tĩnh, nghỉ ngơi. Từ khi hoạt động đến nay, nhà nghỉ nhận được phản hồi tích cực từ thân nhân và người bệnh. Phòng Công tác xã hội đã hai lần tổ chức họp lắng nghe trực tiếp ý kiến của thân nhân để cải thiện dịch vụ và các tiện ích. Đặc biệt, nhà vệ sinh là khu vực được Phòng Công tác xã hội quan tâm cải thiện. Nhà vệ sinh luôn trong tình trạng khô ráo, sạch sẽ, có chậu cây xanh tạo không khí trong lành.

Nhà nghỉ rất sạch đẹp, mát mẻ, an toàn, anh Trần Văn Tuấn chia sẻ sau 4 ngày lưu trú ở nhà nghỉ.

Chú thích ảnh
Chỗ nghỉ ngơi có thu phí 50.000 đồng/người/ngày trong nhà nghỉ dành cho thân nhân. 

Trong thời điểm COVID-19 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều thân nhân người bệnh trở thành F1 và một phòng cách ly được tổ chức ngay tại nhà nghỉ. Toàn bộ sinh hoạt, ăn uống của thân nhân đều do nhân viên Phòng Công tác xã hội đảm nhận. Sau đó, nơi đây trở thành nơi nghỉ ngơi cho các nhân viên y tế sau những giờ chống dịch mệt nhoài. COVID-19 bị đẩy lùi, nhà nghỉ trở lại hoạt động đúng với chức năng vốn có - nơi lưu trú dành cho thân nhân và người bệnh ngoại trú.

Song điều khiến Thạc sỹ Lê Minh Hiển vẫn còn đau đáu là nhà nghỉ chưa thể đáp ứng hết tất cả nhu cầu của thân nhân người bệnh. Tình trạng một người bệnh nhưng có đến 3 - 4 thân nhân còn xảy ra khiến nhà nghỉ luôn quá tải. Bệnh viện Chợ Rẫy bắt buộc phải đưa ra quy định, một bệnh nhân chỉ được đăng ký một chỗ ở cho người nhà, cho phép luân phiên thêm người thứ 2.

Thời gian tới, Phòng Công tác xã hội sẽ triển khai một phòng riêng trong nhà nghỉ để người thân liên lạc, trao đổi thông tin với bác sỹ tại các Khoa về tình hình người bệnh, tránh thân nhân phải vất vả ngược xuôi nhiều lần.

"Chúng tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh, người thân để thấu hiểu, đồng cảm với mong muốn giúp họ vơi bớt nhọc nhằn trên hành trình chiến đấu với bệnh tật”, Thạc sỹ Lê Minh Hiển trải lòng.

Bài và ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Hỗ trợ bệnh nhân lao tiếp cận với thẻ BHYT
Hỗ trợ bệnh nhân lao tiếp cận với thẻ BHYT

Từ ngày 1/7/2022, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc triển khai cấp thuốc lao bằng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho bệnh nhân mắc lao. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn đối với bệnh nhân nghèo, đặc biệt là những bệnh nhân lao không có thẻ BHYT.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN