Đây là bức tranh thực tế khiến Liên hợp quốc lựa chọn “Ô nhiễm không khí” thành chủ đề của Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi trong thành phần của không khí. Chủ yếu do khói, bụi, hơi hoặc các khí độc gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người hay có thể phá hỏng môi trường tự nhiên của nhiều loài sinh vật khác. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nguy cơ đột quỵ, suy nhược thần kinh, bệnh tim mạch, ung thư, cùng hàng loạt các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phổi, thậm chí ung thư phổi ngày càng tăng cao.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là “thủ phạm giấu mặt” gây ra khoảng 6,5 triệu ca tử vong sớm trên thế giới, trong đó, 91% ở các nước nghèo và đông dân ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu danh sách ô nhiễm môi trường, chiếm 50% số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu.
Không chỉ các quốc gia đang phát triển, những quốc gia phát triển và quan tâm đến môi trường như châu Âu, Mỹ cũng đang chứng kiến hàng chục nghìn cái chết mỗi năm do ô nhiễm không khí. Đặc biệt các nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất do tình trạng ô nhiễm này là trẻ em, chủ nhân tương lai của Trái Đất. Ô nhiễm không khí có quan hệ trực tiếp với bệnh viêm phổi và các bệnh về hô hấp khác, gây ra 10% cái chết của những trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.
Ô nhiễm không khí được chia làm hai dạng, gồm ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà. Trong đó, ô nhiễm không khí ngoài trời là tác nhân chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người ở các nước phát triển và đang phát triển, cướp đi sinh mạng của 4,2 triệu người mỗi năm (theo WHO). Theo các tổ chức quốc tế, mặc cho nhận thức về môi trường sống và ô nhiễm không khí ngày càng được cải thiện tại các đô thị lớn, tình hình vẫn ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân là do dân số những khu vực đô thị tăng quá nhanh, khiến các nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí chỉ như "muối bỏ bể".
Dữ liệu mới nhất được khảo sát từ 2.000 thành phố lớn cho thấy, tại các vùng tập trung đông dân cư, mức độ ô nhiễm tăng cao với sự xuất hiện những làn khói bụi độc hại cấu thành từ khói thải của các loại phương tiện giao thông, bụi bẩn từ các công trường, khói độc từ các nhà máy điện và việc đốt củi, than ở các hộ gia đình. 2/3 thế giới đang phải hứng chịu nạn ô nhiễm khủng khiếp với chỉ số hạt bụi PM2.5 cao trên mức 35 µg/m3 khí, chủ yếu tại châu Á, Trung Đông và châu Phi.
Làn khói độc hại đang bao phủ nhiều thành phố lớn trên thế giới, thậm chí còn có thể quan sát được từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Không chỉ gây ảnh hưởng đến con người, ô nhiễm không khí còn là nguyên nhân gây ra cái chết ở nhiều loài sinh vật, là tác nhân quan trọng gây ra nhiều hiện tượng môi trường nghiêm trọng khác như mưa acid, hiệu ứng nhà kính, suy giảm tầng ozone và biến đổi nhiệt độ. Ngoài ra, theo tính toán của nhiều báo cáo toàn cầu, ô nhiễm không khí gián tiếp gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD cho thế giới khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động cũng như ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp toàn cầu.
Không chỉ tồn tại ở ngoài trời, nhân loại còn phải đối mặt với ô nhiễm không khí trong nhà, nguyên nhân tử vong của khoảng 3,8 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, tương đương 7,7% cái chết trên toàn cầu. Các nguồn gây ô nhiễm này bao gồm khói thuốc lá, khói than, củi, các hóa chất có trong sơn hoặc các sản phẩm làm sạch, khí máy lạnh và một số chất có trong vật liệu xây dựng.
Theo một báo cáo năm 2018 của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Mỹ, ước tính tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà có thể cao gấp 8 lần ô nhiễm không khí ngoài trời. Nguồn ô nhiễm chính trong nhà là bụi. Khảo sát tại Mỹ cho thấy cứ 6 phòng trong ngôi nhà (với tổng diện tích khoảng 450m2) sẽ “thu” được tới 18kg bụi/năm. Và những hạt bụi li ti này sẽ được tích lũy trong vải bọc ghế, màn, gối, khăn và các đồ nội thất trong nhà… tạo thành một môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật phát triển, gây bệnh.
Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ô nhiễm không khí trong nhà nghiêm trọng hơn ngoài trời. Do cấu trúc khép kín của ngôi nhà hoặc những tòa nhà, dòng không khí trong lành sẽ bị hạn chế làm chất lượng không khí kém đi. Trong khi đó, có tới 80% hoạt động của con người diễn ra trong nhà. Theo các báo cáo, khoảng 800.000 trẻ em dưới 5 tuổi nằm trong số 2 triệu người chết bởi mắc các bệnh về hô hấp do ô nhiễm không khí trong nhà.
Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn thế giới. Quyền được hưởng một môi trường trong lành là quyền con người được ít nhất 155 quốc gia thống nhất thông qua các văn kiện, hiệp ước toàn cầu. Đảm bảo môi trường trong nhà luôn sạch sẽ và giảm thiểu gây ô nhiễm không khí ngoài trời với những lựa chọn sống xanh là cách để mỗi người có thể thực hiện để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như Trái Đất này.