Bầu không khí của New Delhi thường ô nhiễm nghiêm trọng do khói bụi độc hại từ khí thải của ô tô, chất thải công và nông nghiệp chủ yếu vào mùa Đông, song ít ô nhiễm vào mùa Hè. Mặc dù vậy, Chính phủ Ấn Độ cho biết chỉ số chất lượng không khí tại thành phố này ngày 13/5 rất kém. Lượng hạt bụi siêu vi PM2,5, loại bụi nguy hiểm nhất, đo được ở mức 154 microgram/m3, cao gấp 5 lần so với mức an toàn.
Ông V.K Soni, quan chức thuộc Cơ quan Khí tượng Ấn Độ, cho biết hiện nước này đang vào mùa mưa bão, do đó gió to cuốn theo nhiều bụi gây ô nhiễm. Tuy nhiên, quan chức trên cho rằng tình hình này chỉ tạm thời và sẽ thay đổi trong một hoặc 2 ngày tới khi có mưa.
Trước đó ngày 9/5, Bộ trưởng Giao thông và nguồn nước Ấn Độ Nitin Gadkari cam kết chính phủ sẽ làm sạch bầu không khí ô nhiễm tại New Delhi trong vòng 3 năm tới. Ông nói: "Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện công việc này với mục tiêu 100% không có tham nhũng, minh bạch, kịp thời và đạt kết quả và chất lượng. Đó là lý do thủ đô New Delhi sẽ không còn ô nhiễm không khí và nước trong vòng 3 năm tới. Đây là cam kết của tôi".
Theo ông Gadkari, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch chi hơn 7 tỷ USD vào xây dựng cơ sở hạ tầng quanh thủ đô, nhằm làm giảm hơn 30% tình trạng ô nhiễm không khí trong thành phố. Ông Gadkari đưa ra cam kết này trong cuộc vận động tranh cử trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử đang diễn ra tại nước này, song phần lớn các đảng chính trị lại né tránh vấn đề ô nhiễm không khí.
Những năm gần đây, cuộc khủng hoảng về ô nhiễm không khí tại Ấn Độ ngày càng trầm trọng. LHQ đã đưa 14 thành phố của Ấn Độ vào danh sách 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Theo LHQ, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến hàng trăm nghìn ca tử vong sớm mỗi năm tại Ấn Độ. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với 20 triệu người dân hít thở trong bầu không khí ô nhiễm cao vượt giới hạn nguy hiểm hầu hết các ngày trong năm.