Các bà mẹ cho con bú tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kết quả nghiên cứu này được được đăng tải trên tạp chí Nội khoa JAMA số ra ngày 16/1.
Nghiên cứu trên được Kaiser Permanente - một trong những tổ chức chăm sóc sức khỏe lớn nhất của Mỹ- tiến hành trong vòng 30 năm, theo dõi sức khỏe của 1.238 phụ nữ da trắng và da màu từng được theo dõi trong một công trình nghiên cứu khác có tên "Sự phát triển nguy cơ động mạnh vành ở người trưởng thành" (CARDIA), được tiến hành trong các năm 1985 và 1986 đối với 5.000 người trưởng thành. Những phụ nữ này không có tiền sử bệnh đái tháo đường khi họ tham gia CARDIA hoặc trước khi họ mang thai. Trong vòng 30 năm qua, những người phụ nữ này có ít nhất một lần mang thai và thường được theo dõi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường theo chương trình của CARDIA. Họ đồng thời phải nêu rõ lịch sinh hoạt thường ngày như chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và thời gian cho con bú.
Kết quả cho thấy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở những bà mẹ cho con bú sữa trong khoảng thời gian từ 6 tháng trở lên trong tất cả các lần sinh đã giảm tới 47% so với những người không nuôi con bằng sữa mẹ trong những tháng đầu đời. Trong khi đó, tỷ lệ này ở những bà mẹ cho con bú dưới 6 tháng là 25%.
Trưởng nhóm nghiên cứu Erica Gunderson cho biết nghiên cứu này đã chứng minh mối liên hệ rõ ràng giữa thời gian cho con bú và nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường. Ngoài ra, nghiên cứu này còn củng cố thêm bằng chứng cho thấy việc cho con bú có tác động bảo vệ sức khỏe của mẹ và trẻ sơ sinh, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng.