Nỗ lực giành từng hơi thở cho bệnh nhân COVID-19

Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Vĩnh Long (ICU) là tầng cuối cùng trong mô hình tháp 3 tầng điều trị COVID-19.

Chú thích ảnh
Bác sỹ Võ Văn Hạnh Phúc - Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh nhân COVID-19 tỉnh Vĩnh Long xem ảnh chụp X-Quang để đánh giá diễn tiến bệnh của bệnh nhân.

Nơi đây, đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng thay nhau túc trực 24/24 giờ để chăm sóc sức khỏe, điều trị và cấp cứu kịp thời cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch. Khoác lên mình chiếc áo bảo hộ, đối với các bác sỹ, điều dưỡng gần như không có khái niệm thời gian. Họ miệt mài chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe người bệnh, sẵn sàng xử lý kịp thời với từng diễn biến bất thường để giữ nhịp thở cho bệnh nhân, giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Ngày đêm giữ “nhịp sinh tồn”

Đầu tháng 8/2021, Trung tâm ICU chính thức được Bộ Y tế thành lập tại tỉnh Vĩnh Long để thực hiện nhiệm vụ cứu chữa kịp thời các bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Nhận lệnh chi viện, những “chiến sỹ” áo trắng của Bệnh viện Nhi Trung ương đã lên đường vào Vĩnh Long, tích cực hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu tiên còn nhiều khó khăn. Qua hơn 6 tháng hoạt động, với nhiều kinh nghiệm trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân, các y bác sỹ Bệnh Viện Nhi Trung ương đã phối hợp cùng lực lượng y tế tỉnh Vĩnh Long ngày, đêm “chiến đấu” giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân, giúp họ bình phục.

Bác sỹ Nguyễn Trọng Dũng - Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Nhi Trung ương tại Trung tâm ICU Vĩnh Long cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn do số lượng bệnh nhân trở nặng đông, trong khi trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực còn hạn chế, tuy nhiên đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ vẫn nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi ca trực thường kéo dài 8 tiếng, lực lượng bác sỹ, điều dưỡng phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ, không thể ăn uống. Từng cá nhân khi vào ca trực luôn trong tư thế sẵn sàng, khi bệnh nhân có diễn biến phải lập tức xử lý ngay và chính xác, hiệu quả để giảm thấp nhất tử vong. Đặc biệt, gắn bó với bệnh nhân trong suốt những ngày qua, các điều dưỡng, bác sỹ được coi như người thân trong gia đình, vừa lo chăm sóc sức khỏe, vừa lo việc ăn, uống thuốc, thậm chí là vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Công tác điều trị luôn được kết hợp với giải pháp tâm lý, để giúp bệnh nhân có thêm động lực chiến thắng bệnh tật.

Chú thích ảnh
Điều dưỡng Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh nhân COVID-19 tỉnh Vĩnh Long phải dán keo để khẩu trang bảo hộ cố định và an toàn suốt thời gian tiếp xúc bệnh nhân trong ca trực.

Bác sỹ Nguyễn Trọng Dũng chia sẻ: “Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, chúng tôi luôn tự nhủ nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân là quan trọng hàng đầu, phải tranh thủ từng cơ hội để cứu người. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, trong điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng cần kết hợp động viên, an ủi, chia sẻ để bệnh nhân có tâm lý thoải mái hơn”.

Xác định đây là ngưỡng cuối cùng để cứu sống một bệnh nhân COVID-19, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng đánh mất cơ hội được sống của bệnh nhân, các y, bác sỹ luôn chạy đua với thời gian, xử lý kịp thời những diễn biến phức tạp của bệnh. Để việc điều trị hiệu quả hơn, hàng ngày, Trung tâm đều tổ chức giao ban, trao đổi đánh giá tình hình tiến triển của từng bệnh nhân, đưa ra nhận định, tiên lượng, cũng như phương án điều trị tốt nhất để có thể giữ lấy từng hơi thở cho người bệnh. Không ít lần các bệnh nhân tưởng chừng như không thể qua khỏi, với sự nỗ lực hết mình của các y, bác sỹ đã giành giật được sự sống cho họ. 

Bác sỹ Võ Văn Hạnh Phúc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực tại Trung tâm chia sẻ: “Điều trị thành công cũng nhiều, nhưng cũng có những ca nỗ lực đến giây phút cuối cùng vẫn không thể cứu chữa được cho bệnh nhân. Những lần như thế, các y, bác sỹ rất đau lòng. Mỗi lần phải từ biệt bệnh nhân, mỗi y, bác sỹ lại thấy mình phải trách nhiệm nhiều hơn, quyết tâm trau dồi học hỏi chuyên môn để tìm ra những phương án điều trị hiệu quả nhất.”

Niềm vui khi bệnh nhân khỏi bệnh

Dịch COVID-19 tại tỉnh Vĩnh Long đang dần được kiểm soát, số lượng ca tử vong trên địa bàn giảm mạnh, có những ngày không có ca tử vong. Hơn 6 tháng qua, với những nỗ lực, các bác sỹ, điều dưỡng tại Trung tâm ICU tỉnh Vĩnh Long đã chăm sóc, cứu chữa kịp thời cho gần 1.200 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Gác lại những việc riêng, miệt mài trong chuyên môn để cứu chữa bệnh nhân, với các bác sỹ, điều dưỡng, niềm vui lớn nhất chính là chứng kiến từng bệnh nhân bình phục và trở lại với gia đình. Những lời cảm ơn, những cái bắt tay của bệnh nhân chình là niềm động viên to lớn, tiếp thêm động lực để chiến binh áo “blouse trắng” kiên cường trong "cuộc chiến" với dịch COVID-19 để mang lại sức khoẻ cho người dân.

Chú thích ảnh
Các bác sỹ, điều dưỡng Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh nhân COVID-19 tỉnh Vĩnh Long họp giao ban đánh giá tình hình sức khỏe từng bệnh nhân.

Không chỉ điều trị, chăm sóc mọi mặt cho bệnh nhân, các điều dưỡng, bác sỹ tại Trung tâm ICU Vĩnh Long như một người bạn đồng hành để giúp bệnh nhân an tâm hơn, vững niềm tin để vượt qua ranh giới sinh tử.

Điều dưỡng Lê Trang Thoan, Bệnh Viện Nhi Trung ương đang hỗ trợ tại Trung tâm ICU tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Bệnh nhân đa phần trở nặng, lớn tuổi nên điều dưỡng gần như phải chăm sóc toàn diện từ ăn uống, vệ sinh cá nhân, thuốc uống. Làm việc trong bộ đồ bảo hộ suốt 8 tiếng, không ăn uống, không đi vệ sinh thật sự có những lúc rất mệt. Tuy nhiên, chứng kiến những bệnh nhân lớn tuổi không có người thân bên cạnh, chúng tôi lại chạnh lòng. Những lúc như thế, mỗi điều dưỡng, bác sỹ lại quên đi mệt mỏi của mình để cởi mở hơn, chia sẻ cùng với những lo lắng, hoang mang của người bệnh, giúp họ vượt qua tâm lý bất an để điều trị hiệu quả”.

Gắn bó với Trung tâm ICU ngay từ những ngày đầu thành lập đến nay, anh Lê Mẫn, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức COVID-19 Vĩnh Long đã gác lại việc nhà, gửi lại các con cho vợ và cha mẹ chăm sóc để dành trọn thời gian, tinh thần phục vụ người bệnh. Anh cho biết: “Bệnh nhân đông, áp lực giữa ranh giới sinh tử rất lớn, bản thân phải nỗ lực hết mình để có thể làm tốt nhiệm vụ trong ca trực. Đặc biệt, bệnh nhân COVID-19 không có người thân đi theo để động viên chăm sóc nên nhiều người rất hoang mang. Chính vì thế, các y, bác sỹ, nhân viên nơi đây phải luôn xem mình như người thân, ở bên cạnh để giúp đỡ. Có trường hợp bệnh nhân diễn tiến nặng, anh em gần như phải túc trực kế bên để vừa cứu chữa, vừa động viên. Mỗi lần bệnh nhân tiến triển tốt, cai máy thở và được xuất viện về với gia đình, chúng tôi rất mừng, cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của công việc mà mình đang nỗ lực theo đuổi”.

Là người may mắn được y, bác sỹ cứu chữa tận tình, được mẹ tròn con vuông, chị Trương Ngọc Sự (ngụ Phường 3, thành phố Vĩnh Long) chia sẻ, cả gia đình chị có 11 người đều bị mắc COVID-19 và được đưa đi điều trị 3 nơi, giờ đây đều đã bình phục về đoàn tụ cùng nhau. Chị vừa mắc COVID-19, vừa gặp các tai biến sản khoa nguy hiểm phải phẫu thuật. Nhờ các bác sỹ cứu chữa, cháu bé chào đời sớm so với dự kiến 1,5 tháng và được an toàn. Sau khi mổ, chị Sự rơi vào suy hô hấp nặng phải điều trị tích cực tại Trung tâm ICU. Chị Sự chia sẻ: “Những ngày nằm viện một mình, tôi được điều dưỡng cho xem hình con chụp qua điện thoại. Lúc đó, tôi mừng lắm vì hai mẹ con được bình an. Miệng cười nhưng nước mắt chảy dài vì hạnh phúc. Nhờ có các y, bác sỹ, tôi mới được mẹ tròn con vuông, được trở về mái ấm của mình”.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng nhận định: “Công việc hàng ngày của các nhân viên y tế trực tiếp phục vụ tại Trung tâm ICU là những công việc thầm lặng ít ai biết đến. Bởi lẽ bệnh nhân ở đây hầu như thở máy, đôi lúc nhận thức còn mơ hồ nên cũng không thể cảm nhận hết nhịp độ làm việc căng thẳng và vất vả của y, bác sỹ. Tuy vậy, bằng trách nhiệm, các nhân viên y tế tại đây vẫn thầm lặng cống hiến, ngày đêm chiến đấu, tranh thủ từng giờ, từng cơ hội để có thể cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân. Trong bộ đồ bảo hộ nặng nề và khó chịu, những y, bác sỹ, điều dưỡng đã và đang nỗ lực hết mình cứu chữa, tiếp thêm nguồn động lực quý giá để giành lấy sự sống cho từng bệnh nhân, giúp họ sớm bình phục trở về với gia đình".

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Lễ kỷ niệm 67 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Lễ kỷ niệm 67 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Chiều 25/2, tại Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm và tham dự Lễ kỷ niệm 67 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN