Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Những cặp vợ chồng nơi tuyến đầu chống dịch

Cùng với hàng nghìn chiến sỹ áo trắng tham gia chống dịch COVID-19, nhiều cặp vợ chồng là nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm xa gia đình để xung phong vào tâm dịch, đóng góp trí tuệ, sức lực cho cuộc chiến.

Dù khó khăn, vất vả nhưng ở họ vẫn sáng lên tinh thần quyết tâm, ý chí chiến đấu kiên cường hướng đến một ngày không xa, dịch COVID-19 sẽ được đẩy lùi.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh ngày đêm tận tình cứu chữa, giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Gác lại hạnh phúc cá nhân

Những ngày tháng 10/2021, nhận lệnh điều động khẩn của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về việc tham gia công tác tại Bệnh viện dã chiến số 12, điều dưỡng Huỳnh Minh Đạt vội vàng xếp quần áo cùng 12 y, bác sỹ Bệnh viện Da liễu (Thành phố Hồ Chí Minh) lên đường nhận nhiệm vụ. Cùng thời điểm đó, vợ anh - điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Phấn cũng đang tất bật với công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng. 

Những ngày dịch bệnh bùng phát, do tính chất công việc chống dịch không cố định thời gian, nguy cơ lây nhiễm cao, vợ chồng anh Minh Đạt và chị Hồng Phấn đành gửi con về quê để yên tâm chống dịch. Cả gia đình anh chỉ có thể gặp nhau qua màn hình điện thoại vào những buổi tối rảnh. 

Anh Minh Đạt nhớ lại, có những ngày, anh cùng đồng nghiệp phải cấp cứu bệnh nhân tới 2 giờ sáng mới được nghỉ. Mỗi ca trực kéo dài 10 tiếng khiến anh cùng nhiều đồng nghiệp kiệt sức, mệt mỏi. Thế nhưng, đối với anh, suốt ca trực không có bệnh nhân tử vong, lại có thêm người bệnh đủ điều kiện được xuất viện trở về bên cạnh người thân đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. 

Cùng thời điểm giống như gia đình điều dưỡng Minh Đạt và chị Hồng Phấn, khi Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện chuỗi lây mắc COVID-19 tại chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8), bác sỹ Ngô Duy Đăng Khoa được cử đi giám sát công tác phòng, chống dịch tại chợ đầu mối này. Ít lâu sau vợ anh, bác sỹ Nguyễn Thị Kim Cúc cũng lên đường nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 12. Đó có lẽ là thời điểm khó khăn nhất của gia đình bác sỹ Đăng Khoa và Kim Cúc khi cả hai anh chị đều phải xa gia đình đi chống dịch.

Bác sỹ Kim Cúc kể lại, lúc nhận lệnh điều động, chị cảm thấy lo lắng do ở nhà còn lại hai con trai cùng mẹ già 83 tuổi bị bệnh tim tự chăm sóc nhau. Thời gian rảnh ngoài ca trực, chị đều tranh thủ gọi điện hướng dẫn các con tự chăm sóc bản thân và chăm sóc bà ngoại. 

Khi đó, lượng bệnh nhân đổ về bệnh viện mỗi ngày mỗi tăng, bệnh tình của họ trở nặng diễn biến nhanh nên áp lực công việc với chị Kim Cúc là rất lớn. Trong suốt ca trực, tất cả y, bác sỹ, điều dưỡng phải làm việc tập trung cao độ, theo dõi bệnh nhân sát sao. Nhưng dù khó khăn là vậy nhưng chị cùng các đồng nghiệp vẫn luôn động viên nhau cố gắng, nỗ lực hết mình với hy vọng thêm nhiều người bệnh được cứu chữa.

Còn anh Đăng Khoa, từ ngày nhận nhiệm vụ, anh thuê khách sạn ở và tự cách ly với gia đình. Thỉnh thoảng anh ghé nhà, đứng ngoài cổng nhìn con, dặn dò con đôi ba câu rồi đi vì sợ vào nhà lại trở thành nguồn lây nhiễm. Lúc đó, mong ước lớn nhất của hai vợ chồng anh là dịch bệnh sớm được đầy lùi và hai người cùng sớm được trở về, tiếp tục công việc tại bệnh viện, cùng nhau vun đắp tổ ấm.

Dù xuất phát từ hoàn cảnh nào, hơn 6 tháng trong tâm dịch nguy hiểm, họ đã tạm gác lại hạnh phúc cá nhân để cứu chữa cho các bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Ngày cũng như đêm, khoảng cách địa lý và cả khoảng cách về thời gian dành 100% cho công việc đã thử thách cả hai vợ chồng, giúp họ có thêm tình thương dành cho nhau nhiều hơn. 

Đếm từng ngày để được ở bên nhau 

May mắn hơn nhiều cặp vợ chồng nhân viên y tế khác khi lên đường chống dịch phải chịu cảnh “chia ly”, vợ một nơi, chồng một ngả, vợ chồng anh Trần Quốc Thanh và chị Huỳnh Thị Cẩm Châu được cùng làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 13, còn hai đứa con anh chị tạm gửi cho ông bà nội trông nom, chăm sóc.

Hằng ngày, anh Quốc Thanh đều tất bật với các công việc lắp đặt các vật tư, trang thiết bị, xử lý, sửa chữa, sự cố trong bệnh viện từ sáng đến đêm như thang máy hỏng, mất nước, hết oxy, lắp đặt trang thiết bị, vận chuyển đồ đạc... và nhiều công việc “không tên” khác. Chị Cẩm Châu là điều dưỡng nên phụ trách công tác tiếp nhận, sàng lọc bệnh nên công việc thường kết thúc muộn. Dù làm cùng một nơi nhưng hai vợ chồng rất ít thời gian được gặp nhau. “Do tính chất công việc, tôi và vợ ít có cơ hội gặp nhau tại bệnh viện. Tuy nhiên, với tôi, được nhìn thấy nhau đã là niềm hạnh phúc giản đơn mỗi ngày”, anh Quốc Thanh nói. 

Sau mỗi giờ trực, hai vợ chồng anh Quốc Thanh cùng chị Cẩm Vân tranh thủ gọi điện thông báo về cho gia đình để các thành viên trong nhà yên tâm hơn khi anh chị vẫn được ở cạnh nhau và hoàn toàn khoẻ mạnh trong thời điểm khi dịch bệnh đang căng thẳng. Chị Cẩm Vân cho biết, hai người đã có quãng thời gian 3 năm yêu nhau và đi đến hôn nhân được 10 năm. Những ngày làm việc tại bệnh viện, cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ, chị càng hiểu và trân quý hơn tình yêu mà hai người đã dành cho nhau.

Với chị Cẩm Vân, xác định đi vào “tâm dịch”, tham gia cứu chữa người mắc COVID-19 nặng, nguy kịch là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng chị cùng chồng luôn cố gắng, nỗ lực, không quản ngày đêm, hết lòng cứu chữa người bệnh. Sau thời gian cống hiến, nỗ lực tại đây, chị cùng chồng được trở về trong niềm vui hân hoan chiến thắng, yêu thương, hạnh phúc đong đầy.

Điều dưỡng Hoàng Văn Huy và vợ là điều dưỡng Hà Thị Kim Cúc cùng công tác tại Bệnh viện Quân y 175. Khi hỏi lại hành trình đến với nhau đầy thử thách và nước mắt, anh Hoàng Huy chia sẻ, anh gặp vợ trong một chuyến công tác mổ từ thiện, ông trời se duyên và hai đứa quyết định về chung một nhà. Thời điểm đó, anh cùng vợ cũng như bao người trong lực lượng tuyến đầu chống dịch, luôn sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, nhưng không nghĩ là sẽ trùng vào đúng giai đoạn đám cưới chuẩn bị diễn ra.

Trong Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID của Bệnh viện Quân y 175, điều dưỡng Hoàng Huy nhận nhiệm vụ trong phòng phẫu thuật cho bệnh nhân mắc COVID-19 nên rủi ro lây mắc COVID-19 rất cao. “Tần suất làm việc tại việc với tần suất dày đặc khiến tôi vô cùng lo lắng. Vì sợ nhiễm bệnh không gặp được gia đình, tôi tự dặn bản thân càng phải cố gắng, cẩn thận trong mọi tình huống cấp bách”, anh Hoàng Huy nói. 

Đếm từng ngày được ở bên nhau, chị Hà Thị Kim Cúc, vợ của anh Hoàng Huy những ngày qua luôn nở nụ cười thật tươi vì ngày chung đôi, đoàn tụ cuối cùng cũng đã tới. Bởi theo chị Kim Cúc, hành trình tình yêu này không đơn thuần là yêu, ở đó còn có nhiều cung bậc cảm xúc khó tả mà dịch bệnh mang đến. Chị Kim Cúc kể: Đối với chị, ông trời dường như thử thách rất nhiều. Trong đó, kỷ niệm có lẽ chị không bao giờ quên đó là ngày vào ngày 18/7/2021 - ngày lễ kết hôn được diễn ra, nếu như những cặp đôi khác sẽ nói với nhau về đám cưới, còn anh Hoàng Huy - chồng của chị lại gửi một tấm hình có vali chứa nhiều quần áo kèm dòng tin nhắn “anh đang chuẩn bị cho chuyến đi dài nhất cuộc đời mình”. 

Chị Kim Cúc xúc động nhớ lại, khoảng một tuần sau, chị cũng nhận nhiệm vụ cắm trại ở Khoa Cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19. Mặc dù cùng làm việc tại Bệnh viện Quân Y 175, nhưng họ lại không thể gặp nhau vì phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Mỗi lần nhớ nhau, cả hai đứng nhìn nhau qua cánh của sắt của bệnh viện. Trải qua những ngày tháng khó khăn ấy, cả hai vợ chồng đã tự hứa với nhau sẽ cố gắng hơn, chắc chắn cùng nắm tay nhau vượt qua những thử thách trong tương lai. 

Đi qua đỉnh dịch cam go, họ cũng là một trong 20 cặp đôi trong lực lượng tuyến đầu chống dịch của Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) chính thức được cùng chung đôi trong lễ cưới tập thể đặc biệt diễn ra vào ngày 20/2 vừa qua.

Theo Đại tá Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, dịch COVID-19 đã khiến những tấm thiệp mời không được gửi đi, cặp nhẫn cưới không kịp trao tay và cả những dự định mới về tương lai của nhiều “chiến sỹ áo trắng” phải gác lại. Trong hai năm vừa qua, các bạn trẻ trong ngành Y cũng như một số đơn vị tuyến đầu chống dịch khác đã không quản ngại gian khó, gác lại hạnh phúc riêng để trực tiếp tham gia chống dịch COVID-19. 

“Trong số những chiến sỹ ấy, nhiều người không được hưởng hạnh phúc lứa đôi. Do đó, bệnh viện muốn tri ân và cảm ơn tới tất cả những các y, bác sỹ, nhân viên y tế đã cống hiến trong suốt thời gian qua”, Đại tá Trần Quốc Việt nói.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 cũng đã dần lắng xuống. Các cặp vợ chồng là y, bác sỹ, nhân viên y tế vẫn phải tất bật quay trở lại với guồng quay công việc vốn có của họ. Với những hy sinh đó, họ là những “siêu nhân không mặc áo choàng bay”. Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, những cặp đôi như anh Đăng Khoa – chị Kim Cúc, anh Quốc Thanh - chị Cẩm Vân… đã cùng kề vai sát cánh, hỗ trợ nhau làm nhiệm vụ vì những người bệnh nói riêng và cuộc sống bình yên của nhân dân nói chung. Họ chính là “Ngưu Lang - Chức Nữ” thời hiện đại, sẵn sàng đến những nơi Tổ quốc cần, đem sức trẻ, trí tuệ để cống hiến. Hy vọng rằng khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, tình yêu, hạnh phúc sẽ đơm hoa và kết nhiều trái ngọt, nụ cười trẻ thơ sẽ vang lên trong những gian nhà ấm áp.

Thu Hương (TTXVN)
Hà Nội tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19
Hà Nội tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19

Ngày 22/2, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt đại diện lực lượng y tế và lực lượng tuyến đầu tiêu biểu tham gia phòng, chống dịch COVID-19 nhân dịp 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN