Người Việt Nam đang có thói quen ăn quá mặn

Người Việt đang ăn quá mặn, đa số người dân tiêu thụ muối nhiều gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới mắc và tử vong do các bệnh tim mạch, huyết áp. Bộ Y tế kêu gọi người dân giảm ăn muối để phòng bệnh.

Hội thảo truyền thông giảm ăn muối để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và các bệnh không lây nhiễm khác.

Nguyên nhân của bệnh tim mạch


Tại Hội thảo truyền thông vận động giảm ăn muối để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và các bệnh không lây nhiễm khác, diễn ra ngày 27/3, tại Hà Nội; TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 gram muối/ngày (tương đương với một thìa cà phê). Tuy nhiên đa số đang tiêu thụ lượng muối nhiều gấp đôi so với khuyến cáo.


Theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2015, trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4 gram muối/ngày. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy có tới 90% dân số ăn nhiều muối hơn so với khuyến cáo. Lượng muối người dân ăn vào hằng ngày chủ yếu từ muối, gia vị nêm khi nấu ăn, hoặc do chấm, trộn nước mắm, muối, gia vị trên bàn ăn.


“Trong khi đó, chỉ cần ăn một gói mì đã là vượt quá lượng muối khuyến nghị trong ngày. Muối tuy không gây độc cấp tính, nhưng việc ăn quá nhiều, tích tụ lâu ngày sẽ dẫn đến gây bệnh”, ông Bắc cho biết.


Theo các chuyên gia, thành phần natri chiếm khoảng 40% trọng lượng trong muối; nó còn có nhiều trong nước mắm, nước tương, bột canh và nhiều loại gia vị mặn khác... Trong cơ thể người, natri đóng vai trò quan trọng như: Điều chỉnh, duy trì cân bằng dịch thể, dẫn truyền tín hiệu thần kinh - cơ, hỗ trợ hấp thụ các chất dinh dưỡng, bảo đảm chức năng bình thường của tế bào... Tuy muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn nhiều muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác; tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày.


Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay tại Việt Nam, cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp; trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não. Đây là một con số không hề nhỏ cho thấy tác hại của việc ăn quá nhiều muối và thiếu các phương thức vận động người dân sử dụng muối hợp lý.


Kêu gọi người dân giảm ăn muối


Theo TS. Trương Đình Bắc, hiện Việt Nam chưa có các chương trình can thiệp vận động người dân giảm ăn muối; mới chỉ một bộ phận người dân được khuyến cáo từ yêu cầu điều trị bệnh của các bác sĩ khi đến khám tại các cơ sở y tế. Chính vì thế, Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác và sẽ phổ biến sâu rộng tới mọi người dân.


Theo đó, các thông điệp truyền thông sẽ tập trung vào việc nâng cao hiểu biết, thay đổi hành vi của người dân để giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày, cụ thể cố gắng giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người trưởng thành xuống còn dưới 7 gam/người/ngày; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống để thực hiện can thiệp giảm muối trong khẩu phần ăn của người dân… Bên cạnh đó, hằng năm Bộ Y tế sẽ tổ chức một chiến dịch truyền thông toàn quốc với chủ đề toàn dân giảm ăn muối để dự phòng tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch và bệnh không lây nhiễm khác.


“Sắp tới các cơ quan sẽ hướng tới nghiên cứu để sản xuất ra loại muối ít natri, thậm chí nước mắm có hàm lượng natri thấp giúp việc sử dụng các gia vị hàng ngày của người dân không làm tăng tích tụ chất này trong cơ thể. Bên cạnh đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp công bố hàm lượng muối trên nhãn hàng hóa thực phẩm, cảnh báo thực phẩm chứa nhiều muối; đưa ra quy định về hàm lượng muối tối đa có trong 100 gam thực phẩm đối với một số loại thực phẩm bao gói sẵn… là rất cần thiết”, ông Bắc cho biết.


Viện Dinh dưỡng cũng khuyến cáo người dân cần xây dựng thói quen ăn giảm muối. Việc thay đổi thói quen ăn mặn sang ăn nhạt hơn là rất khó nên người dân cần thay đổi một cách từ từ, thường trong vòng 2-3 tuần, vị giác sẽ quen với ngưỡng ăn nhạt mới. Có thể áp dụng một số mẹo nhỏ để đánh lừa vị giác như sử dụng các gia vị khác như: Chanh, ớt… để làm dung dung hòa giúp dễ ăn hơn. Bên cạnh đó, có thể đào thải bớt muối ra khỏi cơ thể bằng cách tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có chứa Kali để giảm bớt lượng natri trong cơ thể, tránh gây hại.


Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Ăn uống điều độ giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn ăn kiêng
Ăn uống điều độ giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn ăn kiêng

Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Phần Lan, việc duy trì bữa ăn đều đặn giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn so với cách thức ăn kiêng thông thường mà trên thực tế có thể khiến vòng eo lớn hơn và gây rối loạn tâm lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN