Theo một báo cáo điều tra công bố ngày 31/1, trong năm vừa qua tại Canada ghi nhận hơn 3.000 người tử vong do sử dụng quá liều các loại thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện.
British Columbia là tâm điểm của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tại Canada với 1.156 ca tử vong do lạm dụng fentanyl, tăng 73% so với năm 2016. Phần lớn người tử vong là nam giới trong độ tuổi từ 30-39. Chỉ trong 6 năm qua, tỷ lệ tử vong do sử dụng fentanyl quá liều đã tăng từ 4% trong năm 2012 lên tới 81% trong năm ngoái. Cụ thể, trong năm 2012 chỉ có 12 người tử vong do lạm dụng fentanyl, nhưng đến năm 2015 và 2016, con số này đã tăng lần lượt lên tới 152 và 670 người.
Ngoài ra, carfentanyl - với sức "công phá" gấp gần 100 lần so với fentanyl, cũng là nguyên nhân gây ra khoảng 50 trường hợp tử vong do sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện quá liều tại British Columbia.
Các cơ quan sức khỏe cộng đồng cho biết nhiều trường hợp tử vong chỉ vài ngày sau khi các nạn nhân nhận được tiền trợ cấp hàng tháng của chính phủ. Điều này cho thấy những người nghèo nhất ở Canada là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Cách đây gần một năm, Chính phủ Canada công bố kế hoạch chi 57,3 triệu USD nhằm giảm số ca tử vong do lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện và tăng cường năng lực cấp cứu. Trong khi đó, nhiều địa phương của Canada cũng trang bị các thiết bị y tế để điều trị các bệnh nhân nhập viện do sử dụng thuốc quá liều.
Ở bên kia biên giới, cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện đã trở thành "tình trạng khẩn cấp quốc gia" tại Mỹ. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016, Mỹ có khoảng 60.000 trường hợp tử vong vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện trong điều trị y tế, tăng 19% so với năm 2015. Dù chỉ chiếm 5% dân số thế giới, Mỹ tiêu thụ đến 80% tổng lượng thuốc giảm đau gây nghiện toàn cầu.