Đó là một bệnh nhân nam (24 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đến khám trong tình trạng dái tai bầm tím, đau nhức.
Theo lời bệnh nhân, do muốn có dái tai dài, dày, to như tai Phật nên cách đó mấy ngày có nhờ một người bạn mua filler với chi phí hơn 1 triệu đồng về nhà tiêm. Sau tiêm 1 ngày, dái tai bắt đầu đau nhức, căng cứng nên đã thông báo với bạn và được tiêm giải, uống kháng sinh, kháng viêm nhưng tình trạng không thuyên giảm.
Qua thăm khám, BS.CK2 Phạm Thị Thanh Giang, khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh nhận định, bệnh nhân bị tắc mạch và loét hoại tử một phần dái tai. Nguyên nhân có thể do người tiêm thực hiện sai kỹ thuật nên tiêm vào mạch máu; hoặc có thể do filler là hàng trôi nổi, rẻ tiền nên không đảm bảo chất lượng.
Theo bác sĩ Thanh Giang, vùng tai là vùng có nhiều mao mạch nhỏ nên dễ bị chảy máu, bầm tím. Nếu tiêm quá nhiều filler hoặc tiêm nhầm vào mạch máu, vùng dái tai sẽ căng tức, tắc mạch máu dẫn tới nguy cơ hoại tử vùng tai. Bệnh nhân sau đó được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, sau một tuần tình trạng viêm, hoại tử đã cải thiện đáng kể.
Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc vào dái tai. Kết quả siêu âm cho thấy, dái tai có nhiều mô hạt viêm, nghi do silicone. Bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy ra các mô hạt viêm, dịch tiết… sau đó tái tạo lại dái tai, vành tai như trước.
Bác sĩ Thanh Giang cho biết, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, chỉnh sửa đường nét khuôn mặt, cơ thể theo phong thủy cũng là làm đẹp. Tuy nhiên, người dân cần làm đẹp an toàn; chọn cơ sở làm đẹp người dân lưu ý chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có trình độ tay nghề cao, được cấp phép rõ ràng để tránh “tiền mất, tật mang”.