Bệnh nhân nữ T.T.Đ.Q (16 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) nhập viện Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 9/2 trong tình trạng khó thở, lừ đừ, sốt, ho, mạch nhanh, tụt huyết áp. Qua xét nghiệm và hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán đây là ca sốc nhiễm khuẩn đường hô hấp biến chứng suy đa cơ quan, viêm phổi biến chứng ARDS (Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển), viêm cơ tim, suy tim cấp, nguy cơ tử vong rất cao.
Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành các phương pháp hồi sức cho bệnh nhân như thở oxy liều cao, sử dụng thuốc vận mạch liều cao, thuốc kháng sinh phổ rộng, đặt ống thông động mạch theo dõi huyết áp liên tục… Tuy nhiên sau 6 giờ nhập viện, bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp đột ngột phải đặt ống nội khí quản và gắn máy trợ thở thông số cao. Các bác sĩ phải sử dụng đến 3 thuốc vận mạch liều cao để nâng huyết áp của bệnh nhân.
Trước tình hình bệnh lý bệnh nhân diễn tiến nguy kịch, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn trực tuyến với sự tư vấn chuyên môn từ các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). ECMO (oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể) được chọn là phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp, cả 3 máy ECMO của Bệnh viện đều đã can thiệp cho các bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tại Trung tâm Hồi sức Quốc gia điều trị COVID-19 của bệnh viện. Vì vậy việc tìm máy ECMO để can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân trở nên vô cùng khó khăn.
Trước thực tế này, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã liên hệ Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Kiên Giang đề nghị hỗ trợ vận chuyển máy ECMO đến Cần Thơ ngay trong đêm để can thiệp cho bệnh nhân. Ê kíp của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã chuẩn bị sẵn sàng nên ngay khi hệ thống ECMO về đến, các bác sĩ đã lập tức can thiệp ECMO cho bệnh nhân. Ca can thiệp thành công sau 3 giờ; tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ, huyết áp ổn định, nhịp tim giảm, liều thuốc vận mạch giảm dần.
Sau 9 ngày nỗ lực điều trị, hiện bệnh nhân đã được cai máy thở, rút ống nội khí quản, phổi thông khí tốt, các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng tiến triển rất khả quan, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Nội - Tim mạch.
Theo bác sĩ Chuyên khoa II Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ): Ở những bệnh nhân suy hô hấp nặng không đáp ứng với thông khí cơ học, suy tim nặng, viêm cơ tim cấp hoặc choáng tim, chế độ ECMO qua tĩnh mạch - động mạch (VA ECMO) được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, ECMO là một kỹ thuật phức tạp, chi phí cao và rất dễ gặp sự cố với các ống thông, tán huyết.
Ngoài ra, việc phải cân bằng lượng máu lưu thông giữa vòng tuần hoàn tĩnh mạch và động mạch trong quá trình chạy ECMO cũng đặt ra một bài toán khó cho người bác sĩ điều trị. “Chính vì vậy, thành công của ca ECMO này đến từ sự phối hợp đồng bộ giữa các bệnh viện, đặc biệt là việc hội chẩn từ xa của các chuyên gia hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy; sự hỗ trợ kịp thời hệ thống ECMO của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang; việc triển khai kịp thời kỹ thuật chuyên sâu hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ” - bác sĩ Phước nhấn mạnh.