Theo các nhà khoa học, người bị rối loạn chức năng thận dễ bị mắc bệnh đái tháo đường và chất thải urea đóng vai trò trong mối liên kết hai chiều giữa các bệnh về thận và bệnh đái tháo đường.
Kết quả phân tích hồ sơ bệnh án của 1,3 triệu người trưởng thành không mắc bệnh đái tháo đường trong vòng 5 năm cho thấy khoảng 9% số người có chỉ số urea tăng cao - dấu hiệu chức năng thận bị suy giảm.
Và những người chỉ số urea cao có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn 23% so với những người có chỉ số urea bình thường. Theo thống kê, cứ 100.000 người thì có 688 trường hợp mắc bệnh đái tháo đường mỗi năm. Đây đều là những người có chỉ số urea cao.
Khi thận bị rối loạn chức năng, urea sẽ tích lại trong máu, làm tăng nguy cơ kháng insulin và dẫn đến quá trình bài tiết insulin kém. Insulin là loại hormone giúp cân bằng lượng đường trong máu, do đó khi cơ thể thiếu hụt insulin, nồng độ đường trong máu tăng cao đến ngưỡng giới hạn nhất định sẽ gây bệnh tiểu đường.
Urea là sản phẩm cuối cùng của chuyển hóa chất đạm (protein) trong cơ thể, được thải ra ngoài cơ thể qua thận. Việc xét nghiệm chỉ số urea trong máu và nước tiểu sẽ giúp chẩn đoán sớm và kịp thời ngăn ngừa phát triển các bệnh về gan, thận và một số bệnh lý khác.
Lâu nay, giới y khoa đã biết được rằng bệnh tiểu đường là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh suy thận. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy điều ngược lại, các bệnh về thận cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bằng cách đo nồng độ urea trong máu và nước tiểu.