Thông tin trên được Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Bùi - Chủ tịch Hội Lọc máu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại Lễ hưởng ứng Ngày Thận học quốc tế 9/3.
Hệ thống máy lọc thận theo công nghệ của Nhật tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Theo Phó Giáo sư Phạm Văn Bùi, bệnh thận mạn tính là bệnh không lây, có tỷ lệ mắc bệnh cao và không thể chữa khỏi, cần được chăm sóc suốt đời. Trên thế giới, khoảng 10% dân số mắc bệnh này. Số liệu thống kê tại Việt Nam hiện nay có khoảng 26.000 người mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo, chiếm 0,016% dân số.
Do nguồn thận ghép có hạn nên đa số bệnh nhân chỉ kéo dài sự sống nhờ lọc máu. Khảo sát tại Nhật Bản, đất nước có kỹ thuật lọc máu tiên tiến hàng đầu thế giới thì 90% bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể sống từ 20-25 năm.
Tại Việt Nam, chi phí cho mỗi lần chạy thận nhân tạo từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng. Mỗi bệnh nhân phải lọc máu, chạy thận nhân tạo 2-3 lần/tháng. Trong khi đó, người mắc bệnh thận mạn tính sức khỏe giảm sút nhanh chóng, không thể lao động được nên chi phí này là gánh nặng khá lớn đối với đa số người bệnh.
Bên cạnh chạy thận nhân tạo, theo Phó Giáo sư Phạm Văn Bùi, bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính cần được bổ sung thêm các loại thuốc hạ áp, vitamin kết hợp với chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao thể trạng, chống chọi lâu dài với bệnh tật.
Tại lễ hưởng ứng Ngày Thận học quốc tế, các bác sỹ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã cung cấp cho các bệnh nhân thông tin về lọc máu chuẩn mực quốc tế, giúp bệnh nhân có kiến thức về bệnh lý, phương pháp điều trị để tự chăm sóc sức khỏe cho chính mình, không chỉ dựa vào nhân viên y tế.
Trước đó, từ tháng 8/2016, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào hoạt động trung tâm lọc máu hiện đại nhất Việt Nam với các thiết bị theo tiêu chuẩn Nhật Bản, giúp nâng cao chất lượng điều trị, chất lượng sống, kéo dài tuổi thọ cho những người mắc bệnh thận mạn tính.