Điều trị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo do biến chứng đái tháo đường tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai. |
Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thận thế giới 2017, TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Thừa cân, béo phì (TCBP) là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu, đang tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Tại nhiều quốc gia, TCBP đã chiếm hơn 1/3 dân số người trưởng thành, góp phần đáng kể đến sự sút giảm chung về sức khỏe và tăng cao gánh nặng chi phí y tế hàng năm.
Khi TCBP sẽ gia tăng nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường và dễ dẫn đến hậu quả suy thận mạn tính giai đoạn cuối, buộc bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo nếu không có điều kiện ghép thận.
Theo nhiều nghiên cứu, người TCBP có nguy cơ suy thận mạn tính giai đoạn cuối cao gấp 2 – 7 lần người có cân nặng bình thường. Dự báo đến năm 2025, béo phì sẽ ảnh hường đến 18% nam giới và hơn 21% phụ nữ trên toàn thế giới. Đây cũng chính là lý do vì sao Ngày Thận thế giới năm nay (thứ năm, tuần thứ 2 của tháng 3 hàng năm) lại lấy chủ đề “Bệnh thận và béo phì”, nhằm tăng cường giáo dục về những hậu quả có hại của bệnh béo phì và mối liên quan đến bệnh thận để cộng đồng chủ động phòng ngừa các yếu tố nguy cơ.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, năm 2008, tỷ lệ bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo do đái tháo đường (liên quan nhiều đến TCBP) chỉ khoảng 8% nhưng hiện nay đã tăng lên 14%, điều này giống hệt như ở Nhật Bản trước đây. Do đó, các chuyên gia y tế lo ngại nếu không chủ động phòng ngừa, đến 2025 – 2030, số người suy thận mạn dẫn đến chạy thận sẽ tăng cao, chủ yếu do đái tháo đường có liên quan đến TCBP.
“Khi chỉ số BMI (cân nặng/chiều cao2) bằng 25 và dưới 30 là thừa cân; nếu BMI bằng và trên 30 là béo phì. Nguyên nhân TCBP thường do: Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, lối sống ít vận động, tiền sử gia đình béo phì, xúc cảm không tốt (buồn chán, cáu giận…”, BS Phan Thế Cường, khoa Thận Nhân tạo, cho biết.
Để phòng ngừa nhiều căn bệnh liên quan đến TCBP, trong đó có bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối, người dân cần kiểm soát cân nặng thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng vận động hàng ngày.
Với những người đang trong tình trạng TCBP cần cải thiện sức khỏe ngay bằng cách giảm cân, càng gần với cân nặng bình thường thì càng có lợi cho sức khỏe. Biện pháp này sẽ giúp hạn chế hoặc kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch…
Tốt nhất, người TCBP cần được tư vấn bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch giảm cân an toàn. Trong đó, lưu ý: Chế độ ăn kiêng cần giảm đều từ từ khoảng 0,45kg/tuần; tập thể dục đều đặn; điều chỉnh thói quen, hành vi dinh dưỡng (mua thức ăn theo danh mục và không mua khi đói…).