Theo đó, Giám đốc Trung tâm Y tế 5 địa phương khẩn trương tham mưu UBND huyện, thành phố ban hành quyết định thành lập các Trạm Y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19, theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4042/QÐ-BYT ngày 21/8/2021.
Tùy theo thực tế tại địa phương, Trạm Y tế lưu động tại mỗi xã, phường, thị trấn chọn cơ sở làm việc phù hợp tại nhà văn hóa tổ dân phố, trường học, trung tâm thể thao, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn... Trường hợp trên địa bàn không thể chọn được các công trình sẵn có sẽ xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động. Cơ sở làm việc tối thiểu phải bố trí nơi trực, nơi tiếp đón, nơi khám và tư vấn, nơi cho bệnh nhân nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết; khu vệ sinh, tắm rửa, có nước sạch, điện, có thu gom rác thải y tế và có chỗ ngủ cho nhân viên y tế.
Tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã, phường, thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều Trạm Y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư nếu có khoảng 50-100 trường hợp mắc COVID-19 được cách ly tại nhà có một Trạm Y tế lưu động. Một Trạm Y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các ấp, khu phổ, tổ dân phố của các xã, phường, thị trấn khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính.
Trung tâm Y tế tuyến huyện và lực lượng hỗ trợ bố trí đủ nhân lực cho Trạm Y tế lưu động hoạt động. Mỗi Trạm Y tế lưu động có tối thiểu 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất một bác sĩ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu một nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao. Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn. Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ, huy động thêm nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa phương khác. Ngoài nhân viên y tế, chính quyền cấp xã có trách nhiệm huy động thêm nguồn nhân lực khác trên địa bàn từ Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường, Tổ dân phố... để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần thiết khác của Trạm Y tế lưu động.
Các Trạm Y tế lưu động bảo đảm trang thiết bị và thuốc thiết yếu cho phòng, chống COVID-19 và khám chữa bệnh thông thường. Bên cạnh đó, Long An huy động xã hội hóa, đảm bảo mỗi Trạm Y tế lưu động có một xe ô tô có gắn bình oxy, có xe đẩy hoặc băng-ca để vận chuyển người mắc COVID-19 đi cấp cứu kịp thời. Trường hợp không thể sắp xếp được xe, cần phối hợp với hệ thống vận chuyển cấp cứu trên địa bàn để vận chuyển kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 trở nặng đến các cơ sở y tế phù hợp nhanh nhất.
Giám đốc Sở Y tế Long An Huỳnh Minh Phúc đề nghị các Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và thành phố Tân An khẩn trương xây dựng kế hoạch thiết lập các Trạm Y tế lưu động trình UBND huyện, thành phố phê duyệt; tổ chức triển khai hoạt động các Trạm Y tế lưu động theo kế hoạch được phê duyệt. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho các Trạm Y tế lưu động; đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, hậu cần và các điều kiện cần thiết để triển khai. Các Trung tâm Y tế báo cáo kết quả thực hiện của đơn vị về Sở Y tế trước ngày 24/8/2021.