TP Hồ Chí Minh: Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thành lập các Trạm y tế lưu động

Tiếp nối 6 Trạm y tế lưu động đã được đưa vào hoạt động, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải đảm bảo tiến độ thành lập các Trạm y tế lưu động còn lại.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai mô hình Trạm y tế lưu động. 

Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận thành phố Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch và sớm triển khai mô hình các Trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn. 

Chú thích ảnh
Các Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà.

Hoạt động này nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong. 

Tiếp nối 6 Trạm y tế lưu động đã được thành lập, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đảm bảo tiến độ thành lập các Trạm y tế lưu động còn lại theo hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 thành lập 135 Trạm y tế lưu động tại thành phố Thủ Đức và 13 quận, huyện (Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Nhà Bè) đi vào hoạt động trước ngày 24/8; giai đoạn 2 thành lập 225 Trạm y tế lưu động tại các quận huyện còn lại, đảm bảo đi vào hoạt động trước ngày 27/ 8.

Các Trạm y tế lưu động lập danh sách và số điện thoại của những người F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”; thường xuyên điện thoại để nắm bắt tình hình sức khỏe người F0; tổ chức thăm khám trực tiếp và hướng dẫn điều trị tại nhà bằng gói chăm sóc sức khỏe cho người F0 theo hướng dẫn của ngành y tế.

Các Trạm Y tế có thể tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như Nhà văn hóa, Khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân... để làm trụ sở hoạt động của Trạm y tế lưu động; mỗi Trạm y tế lưu động phải bố trí nơi trực, nơi tiếp đón, nơi khám và tư vấn, nơi nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết, nhà vệ sinh, khu vực tắm, có nước sạch, điện, chỗ ngủ cho nhân viên y tế và có thu gom rác thải y tế. Mỗi Trạm Y tế đảm bảo ít nhất 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng....

Sở Y tế cung cấp bình oxy và các túi thuốc điều trị COVID-19 đến các Trạm y tế lưu động, bổ sung các bác sĩ điều dưỡng được tăng cường từ Bộ Y tế, Cục Quân y, Bộ Quốc phòng để hỗ trợ cho thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Số F0 tăng nhanh, Bình Dương đưa 1.281 cán bộ vào 'điểm nóng' chống dịch
Số F0 tăng nhanh, Bình Dương đưa 1.281 cán bộ vào 'điểm nóng' chống dịch

Số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong 24 giờ qua tại Bình Dương tăng nhanh, vượt qua địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN