Kinh doanh có trách nhiệm là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển lâu dài

Theo các chuyên gia, điều làm nên bản sắc và sức mạnh nội lực thực sự của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở quy mô tài sản hay doanh thu, mà còn nằm ở chính văn hóa của doanh nghiệp đó.

Chú thích ảnh
 Diễn đàn Văn hóa doanh nhân năm 2025 với chủ đề: “Kinh doanh có trách nhiệm” do VCCI tổ chức.

Ngày 15/4, tại Diễn đàn Văn hóa doanh nhân năm 2025 với chủ đề: “Kinh doanh có trách nhiệm” do Trung tâm Văn hóa doanh nhân, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân… cùng nhau trao đổi, thảo luận về văn hóa doanh nhân, đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh gắn với kinh doanh có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là phát triển kinh tế luôn đi đôi với phát triển văn hóa, bảo đảm công bằng xã hội, thương yêu, tôn trọng con người, lấy người dân làm chủ thể và là mục tiêu phát triển bền vững. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, điều làm nên bản sắc và sức mạnh nội lực thực sự của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở quy mô tài sản hay doanh thu, mà còn nằm ở chính văn hóa của doanh nghiệp đó - những giá trị mà doanh nghiệp lựa chọn, nuôi dưỡng và lan tỏa. Đặc biệt Nghị quyết 41-NQ/TW đã đưa ra nhiệm vụ: Xây dựng văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới. Xây dựng những giá trị, các chuẩn mực của văn hóa kinh doanh quốc gia chính là yếu tố cốt lõi để thành công, “văn hóa soi đường doanh nhân đi”.

Theo ông Phạm Tấn Công, để xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh phải bắt đầu từ doanh nhân và doanh nghiệp.

Đối với doanh nhân, năm 2022, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức kinh doanh gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Đặc biệt, nhữngquy tắc này cũng đã được đưa vào sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 để dạy cho các em học sinh từ trên ghế nhà trường.

VCCI cũng đang tích cực triển khai thực hiện đề án “Thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2024-2030” với nhiều hoạt động.

Theo ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, kinh doanh có trách nhiệm - với người lao động, với cộng đồng, với môi trường và với pháp luật - đang trở thành một yêu cầu cấp thiết. Đó không chỉ là nghĩa vụ đạo đức, mà còn là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp phát triển lâu dài trong niềm tin của xã hội.

“Doanh nhân, doanh nghiệp không thể phát triển đơn độc, mà cần đồng hành cùng lợi ích chung, gắn kết với trách nhiệm xã hội, minh bạch trong quản trị và thân thiện với môi trường. Những doanh nghiệp theo đuổi mô hình kinh doanh có trách nhiệm thường có khả năng thích ứng tốt hơn với biến động thị trường, duy trì được đội ngũ nhân sự ổn định và xây dựng được lòng tin vững chắc từ đối tác và người tiêu dùng”, ông Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.

Theo đó, để hiện thực hóa mục tiêu "kinh doanh có trách nhiệm”, với doanh nhân cần coi đạo đức là "thương hiệu" cốt lõi, tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chung tay giải quyết các vấn đề xã hội; với các hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục lan tỏa 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, kết nối doanh nghiệp với các giá trị văn hóa dân tộc; với cơ quan quản lý cần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Vận dụng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Vận dụng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Sáng 23/6, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương (Bộ Công thương) và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình Diễn đàn đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ hội nhập năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN