Đây được xem là một trong những phương pháp hiện đại nhất trong việc cải thiện khả năng nghe cho người nghe kém. Thông tin này được chia sẻ tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 diễn ra vào ngày 16/12.
Tiến sỹ, bác sỹ Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nghe kém hay còn gọi là tình trạng suy giảm thính lực là một trong những khiếm khuyết về mặt giác quan thường gặp nhất, ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng hòa nhập cuộc sống của người mắc dị tật này, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em nghe kém mức độ nặng thì ngôn ngữ và trí tuệ cũng kém, điều này gây nên gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Những năm gần đây, việc điều trị nghe kém đã có những bước tiến bộ lớn, trong đó có phương pháp cấy ốc tai điện tử, nhất là từ khi có ốc tai điện tử loại đa kênh. Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên của khu vực phía Nam triển khai cấy ốc tai điện tử vào năm 1998. Sau 25 năm, Bệnh viện đã triển khai cấy ốc tai điện tử cho hơn 700 trường hợp. Đặc biệt, những năm gần đây, đơn vị này đã tiến hành cấy ốc tai điện tử cho những bệnh nhân có bất thường tai trong như: bất sản hoàn toàn mê nhĩ, nang tai sơ cấp, ốc tai không phát triển…
Cùng với những tiến bộ không ngừng trong lĩnh vực tai mũi họng, việc cấy ốc tai điện tử tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng đạt hiệu quả cao. Một nghiên cứu mới đây của các bác sỹ Bệnh viện cho thấy, chất lượng cuộc sống của người bệnh sau khi được cấy ốc tai điện tử cao hơn nhiều so với trước khi cấy. Trong đó, tỷ lệ nhận biết âm thanh cơ bản tăng 8,5 lần, khả năng cảm nhận âm thanh nâng cao tăng 3 lần, khả năng phát âm tăng 4,8 lần, khả năng tương tác xã hội tăng 3,2 lần…
Bên cạnh cập nhật tiến bộ, hiệu quả của kỹ thuật cấy ốc tai điện tử, hội nghị Khoa học kỹ thuật Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 với chủ đề “Phát triển kỹ thuật chuyên sâu tai mũi họng” có 36 báo cáo khoa học khác về các kỹ thuật chuyên sâu của các bác sĩ đến từ các bệnh viện đầu ngành về chuyên khoa tai mũi họng như: Ứng dụng hệ thống EJS trong chẩn đoán và điều trị Cholesteatoma tai giữa mắc phải; Chẩn đoán và điều trị viêm tai ngoài hoại tử; Điều trị sẹo hẹp thanh khí quản; Chẩn đoán và điều trị rò dịch não tủy; Phẫu thuật nội soi mở xoang trán điều trị u nhầy…
“Những kiến thức được chia sẻ từ hội nghị là những kinh nghiệm quý báu, góp phần quan trọng trong công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc cho người bệnh trong chuyên ngành tai mũi họng”, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Trần Quang Minh khẳng định.