Bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính nhấn mạnh việc cần thiết chăm sóc, hỗ trợ người yếu thế xã hội, trong đó có người khiếm thính; đồng thời chia sẻ những khó khăn và nỗ lực vươn lên của người khiếm thính. CED tập trung phát triển công cụ giao tiếp hỗ trợ cũng như phát triển kỹ năng giao tiếp với người khiếm thính cho cộng đồng.
Là một người khiếm thính từ nhỏ, bà Dương Phương Hạnh cho rằng họ có thể nói bằng lời, bằng ngôn ngữ ký hiệu, bằng chữ viết, hình ảnh, cử chỉ điệu bộ, hay hình thức giao tiếp tổng hợp. Qua đó, khẳng định dự án “Để Người khiếm thính được lắng nghe” hướng đến phát triển kỹ năng và công cụ giao tiếp cho người khiếm thính trong thăm khám và chữa bệnh; hỗ trợ người khiếm thính cách yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Đặc biệt, chuỗi hội thảo trong khuôn khổ dự án còn giúp người khiếm thính có cơ hội nói lên những khó khăn trong giao tiếp, những mong đợi được hỗ trợ và lắng nghe thế nào. Người khiếm thính cũng có cơ hội nói lên những khó khăn trong quá trình giao tiếp với người khiếm thính.
Gắn bó, hoạt động liên tục nhiều năm trong lĩnh vực người khuyết tật nói chung, Tiến sỹ Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam nhấn mạnh, người khuyết tật nói chung, người khiếm thính nói riêng là đối tượng thường chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, họ rất cần những tấm lòng sẻ chia, đồng cảm và giúp đỡ, động viên trong cuộc sống và sinh hoạt thường ngày. Trong cuộc sống, họ không chỉ gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập các quan hệ xã hội và giao dịch dân sự, mà trong chủ thể tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính thì các khó khăn, bất cập của họ tăng gấp bội phần.
Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật cho người khuyết tật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn hành nghề Luật sư; khẳng định việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật hiện còn nhiều khó khăn, còn chịu nhiều thiệt thòi, chưa kịp thời, hiệu quả, bất cập vì một số nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuân Hương, phần lớn người khuyết tật thường thiếu thông tin và hiểu biết về quyền lợi chính đáng của bản thân đối với quyền được trợ giúp pháp lý; thường có tâm lý e ngại nhận trợ giúp pháp lý…
Để trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, Luật sư cần phải có tâm huyết với nghề, không chỉ tư vấn các quy định pháp luật thực định đối với vụ việc của họ mà cần phải thể hiện sự sẻ chia, đồng cảm những mảnh đời, hoàn cảnh và thiệt thòi của người khuyết tật; phải đối xử tôn trọng và không có thái độ kỳ thị, hoặc xa lánh. Các Trung tâm trợ giúp pháp lý cần phát huy trách nhiệm, tuyên truyền, vận động và tạo sự tin tưởng hỗ trợ pháp lý giúp cho người khuyết tật khi đến yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và những vấn đề liên liên quan đến dự án “Để Người khiếm thính được lắng nghe” hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng, các chính sách hỗ trợ và phương pháp giao tiếp dùng lời nói hay ký hiệu của người khiếm thính trong cuộc sống; hướng dự án đến thúc đẩy việc thực thi chính sách về y tế công và quy định pháp luật, trợ giúp pháp lý của nhà nước được đưa vào cuộc sống cho người khiếm thính hiệu quả.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, các đại biểu đề xuất Trung tâm Nghiên cứu giáo dục người khiếm thính đẩy mạnh các hoạt động đào tạo ngôn ngữ ký hiệu y tế cho người khiếm thính và người nghe bình thường; đa dạng hoá các hoạt động hội thảo hướng dẫn người khiếm thính và phụ huynh, người hỗ trợ cách trợ giúp pháp lý; hỗ trợ người khiếm thính khám bệnh để trải nghiệm dịch vụ ngôn ngữ ký hiệu ở bệnh viện, xây dựng quy trình hỗ trợ người khiếm thính ở bệnh viện...