Tìm giải pháp hỗ trợ người khiếm thính khi khám, chữa bệnh tại bệnh viện

Ngày 14/11, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Người Khiếm thính (CED) đã tổ chức hội thảo trực tuyến Báo cáo kết quả Khảo sát “Đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu bệnh nhân khiếm thính: khảo sát trường hợp “Bộ Tiêu chí Chất lượng bệnh viện Việt Nam”.

Chú thích ảnh
 Ảnh minh họa: TTXVN

Khảo sát này nhằm đưa ra những khó khăn khi thực hiện tiêu chí A2.5 liên quan tới việc hỗ trợ người khiếm thính ở bệnh viện để có kiến nghị bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện. Bên cạnh đó, tìm ra giải pháp tốt nhất nhằm hỗ trợ người khiếm thính (điếc, nghe kém, mất thính lực muộn) khi khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

Bà Dương Phương Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Người Khiếm thính (CED) cho biết, về số liệu người khiếm thính tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê cập nhật gần nhất vào năm 2006 là 3.550 người. Theo tiêu chí A2.5 của Bộ Y tế về việc người khuyết tật được tiếp cận đầy đủ với các khoa, phòng và dịch vụ khám, chữa bệnh trong bệnh viện nêu rõ, có nhân viên phiên dịch cho người khiếm thính hoặc có phương án hợp tác, ký hợp đồng với người phiên dịch trong trường hợp có người khiếm thính đến khám, chữa bệnh. Đồng thời, bảo đảm có người phiên dịch cho người bệnh khiếm thính trong vòng 90 phút khi được yêu cầu.

Tuy nhiên, việc triển khai tiêu chí còn chưa phố biến, một số bệnh viện còn mang tính chất đối phó, một số bệnh nhân đều gặp vấn đề trong quá trình khám chữa bệnh như không thể giao tiếp được với nhân viên y tế hay phụ huynh – người hỗ trợ lúng túng trong việc truyền đạt thông tin qua lại giữa con em khiếm thính và nhân viên y tế. Ngoài ra, người khiếm thính chưa nắm được quyền lợi, các chính sách, luật liên quan đến họ để yêu cầu đảm bảo quyền lợi trong thăm khám, chữa bệnh.

Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, mỗi năm bệnh viện ghi nhận 10 trường hợp bệnh nhân khiếm thính tới khám. Khi người khiếm thính đến bệnh viện, bộ phận tiếp tân sẽ dặn dò, chỉ dẫn, giao tiếp bằng giấy, đọc môi để người bệnh dễ dàng nhận biết. Tuy nhiên, bệnh viện cũng chưa có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để hạn chế phần nào việc rào cản về ngôn ngữ. Theo đó, bệnh viện cũng đang mong đợi được hỗ trợ để có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu chính thức, không phải là nhân viên công tác xã hội kiêm nhiệm; hỗ trợ về kinh phí và kết nối cung cấp phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu giá thấp, tạo điều kiện cho nhân viên y tế đi học chuyên sâu về lĩnh vực này.

Thầy Phan Minh Thông, giáo viên Trường Chuyên biệt Khiếm thính Hy vọng Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đa số phụ huynh, người hỗ trợ không biết đến bộ tiêu chí và các văn bản pháp lý khác có liên quan tới quyền lợi của người khuyết tật nói chung và người khiếm thính nói riêng. Do đó, bộ tiêu chí cần được bổ sung thêm cách thức hỗ trợ phù hợp cho từng dạng khuyết tật nghe qua giao tiếp dùng ngôn ngữ ký hiệu; nói nghe qua đọc tín hiệu môi; viết ra giấy; hình ảnh; video clip; cử chỉ điệu bộ. 

Đồng thời, cần bổ sung biểu tượng nhận diện người khiếm thính riêng biệt ở bệnh viện. Đối với các trường học, cần có chương trình đào tạo phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu chính quy và chính sách dành cho người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu; Phổ cập ngôn ngữ ký hiệu tới các trường học dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh và sinh viên. 

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Người Khiếm thính (CED), việc hỗ trợ người khiếm thính cần có sự tham gia của ba bên, đó là Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề ra chủ trương, làm cầu nối với bệnh viện và kết nối với các đơn vị có khả năng đào tạo (người có chuyên môn về ngôn ngữ ký hiệu). Bên cạnh đó, trung tâm đã thiết kế chương trình đào tạo 3 ngày học với chủ đề “Kỹ năng hỗ trợ người khiếm thính ở bệnh viện” nhằm cải tiến chương trình học cả về thời gian và chất lượng đào tạo. Về vấn đề hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính, cần có phụ đề ngôn ngữ ký hiệu và phụ đề tiếng việt trên tất cả các kênh truyền hình Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh; phổ biến chương trình tầm soát thính lực cho trẻ sơ sinh, tăng cường việc phát hiện sớm, can thiệp sớm và đeo máy trợ thính sớm; máy trợ thính, ốc tai điện tử cần được đưa vào danh mục hàng hóa tính bảo hiểm y tế.

Đồng quan điểm, các chuyên gia về y tế cho rằng, bộ tiêu chí nên bổ sung cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ người khuyết tật xuyên suốt trong quá trình tiếp cận các khoa, phòng trong bệnh viện và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh trong bệnh viện. Về phía bệnh viện, liên quan tới vấn đề phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, cần chia ra hai hình thức, cụ thể như nhân viên phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và có ký hợp đồng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Dù với hình thức nào thì bệnh viện cũng cần có kinh phí và lộ trình hoàn thiện. Ngoài ra, còn cần những hỗ trợ khác như hình ảnh, giấy viết, sắp xếp nhân viên hướng dẫn đi cùng, hỗ trợ bằng cử chỉ điệu bộ…

Thu Hương (TTXVN)
Độc đáo khẩu trang trong suốt cho người khiếm thính
Độc đáo khẩu trang trong suốt cho người khiếm thính

Ngày 27/5, một nam thanh niên khiếm thính độ tuổi 20 đã tới một trung tâm tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để thử chiếc khẩu trang trong suốt theo đơn đã đặt hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN