Đôi “bàn tay vàng” của nghệ nhân khiếm thính

Một chiếc bàn xoay và một nắm đất. Chỉ vài phút, dưới đôi “bàn tay vàng” của nghệ nhân khiếm thính Phạm Anh Đạo, nghệ nhân gốm vuốt tay trẻ nhất làng gốm Bát Tràng, nắm đất vô tri ấy đã trở thành những chiếc bình gốm, một chiếc vò, thạp nghệ thuật khiến nhiều người mê mẩn.

Đôi bàn tay vàng

Chiếc bàn xoay lúc chậm, lúc nhanh theo điều khiển của người nghệ nhân, và nắm đất tròn tròn theo đôi bàn tay anh từng bước biến đổi, trở thành một chiếc bình hoa nghệ thuật. Khi mọi người tưởng việc tạo hình chiếc bình hoa đã xong, người nghệ nhân trẻ vẫn chưa hài lòng. Anh nghiêng đầu ngắm nghía, suy tư, rồi đưa tay vuốt nhẹ ở thân bình cho nhỏ lại, rồi ngoéo một chút phía trên miệng lọ cho nó dài ra… Vậy là một chiếc bình hoa nghệ thuật với cái “eo thon” và cái miệng loe đã hình thành. Đặt chiếc bình vừa vuốt xong xuống, anh lại nhanh chóng nhặt lấy một cục đất khác, và chỉ vài phút sau, một sản phẩm gốm nghệ thuật khác lại ra đời…

Nghệ nhân Phạm Anh Đạo đang vuốt gốm.

Không bị ảnh hưởng bởi những ồn ào, náo nhiệt của chợ, của tiếng loa chát chúa, người nghệ nhân trẻ cứ mải miết với sự nghiệp sáng tạo của mình. Chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ, những cục đất vô tri, vô giác qua bàn tay “phù phép” của anh, trở thành những chiếc bình, thạp, những lọ hoa… nghệ thuật độc đáo. Mỗi cái một hình dạng, một kích thước khác nhau, cái to, cái nhỏ, cái méo, cái tròn, cái lồi, cái lõm… không chiếc nào giống chiếc nào.

Người nghệ nhân ấy là Phạm Anh Đạo, anh là một trong số ít ỏi nghệ nhân còn vuốt gốm bằng tay.

Qua câu chuyện với gia đình, chúng tôi được biết, nghệ nhân Phạm Anh Đạo sinh năm 1977, trong một gia đình có truyền thống làm gốm ở Bát Tràng. Khi còn nhỏ, bị đau ốm liên miên, gia đình đã phải tìm mọi cách để chữa chạy. Những liều thuốc kháng sinh liều cao đã cứu được anh, song cũng từ đó mà đôi tai anh gần như bị điếc, khiến khả năng nói và diễn đạt của anh trở nên rất khó khăn.

Những sản phẩm của nghệ nhân Phạm Anh Đạo.

Học hết tiểu học, Phạm Anh Đạo phải từ bỏ sách vở, vì tai anh không thể nghe được tiếng cô giáo giảng bài, và không thể theo kịp được các bạn cùng trang lứa. Anh ở nhà xem cha vuốt gốm, rồi dần dần, anh cũng làm bạn với những cục đất và chiếc bàn xoay. Năm 18 tuổi, chàng trai khiếm thính xin vào làm trong Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng, anh được phân công về bộ phận đúc khuôn gốm.

Làm ở Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng được vài năm, Phạm Anh Đạo xin nghỉ việc. Anh được bố mẹ đầu tư mở cho một xưởng gốm ngay tại nhà. Thời điểm này cũng là lúc nghề làm gốm vuốt tay của làng gốm Bát Tràng đang bị lấn át bởi các sản phẩm công nghiệp. Nhiều thợ gốm Bát Tràng bỏ nghề vuốt tay, chuyển sang sản xuất gốm công nghiệp với những khuôn đúc, cho ra hàng nghìn sản phẩm giống hệt nhau. Cả làng Bát Tràng lúc đó chỉ còn một vài người còn gắn bó với gốm vuốt tay, đa phần là các cụ đã cao tuổi, chỉ riêng Phạm Anh Đạo là người trẻ nhất và vẫn miệt mài, cắm cúi nặn nặn, vuốt vuốt các sản phẩm gốm của riêng mình.

Nghề là cuộc sống

Thời gian đầu, những sản phẩm gốm vuốt tay của anh không có mấy người hỏi mua vì hình thù kỳ dị. Có thời điểm khó khăn, vợ anh từng bàn chuyện chuyển sang sản xuất công nghiệp, nhưng anh không đồng ý, vì không thích. Thế rồi may mắn, ngày càng có nhiều du khách đến Bát Tràng, thấy đồ gốm nhà anh lạ mắt, lại là những sản phẩm thủ công tự vuốt bằng tay, họ thích nên mua, rồi giới thiệu cho bạn bè, xưởng gốm nhà anh bắt đầu có những đơn đặt hàng từ Nhật, từ Mỹ…

Chị Nguyễn Mỹ Chinh, vợ anh Đạo cho biết, cách đây vài năm, một doanh nhân trong ngành gốm Nhật Bản đến Bát Tràng du lịch, ông ấy rất thích các sản phẩm do anh sáng tạo, nên đã ngỏ lời mời anh sang Nhật làm giáo viên dạy nghề cho một trường dạy vuốt gốm ở Nhật. Nhưng vì anh bị khiếm thính, việc giao tiếp có nhiều hạn chế, nên gia đình đã từ chối.

Nghệ nhân Phạm Anh Đạo cho biết, vì là làm thủ công, nên số lượng không nhiều, đến nay, gia đình anh chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng. Trung bình mỗi ngày anh làm được khoảng 30-40 chiếc, 1 tháng anh mới ra được 1 lò. Còn các hộ gia đình sản xuất công nghiệp, mỗi tháng họ ra được 10 lò. Chính vì vậy mà mặc dù các sản phẩm gốm vuốt tay của anh giá bán đắt hơn gấp 4-5 lần sản phẩm công nghiệp, nhưng lợi nhuận thu về vẫn không được bao nhiêu. “Dù biết làm gốm theo kiểu công nghiệp, vừa dễ làm, thu nhập lại cao hơn, trong khi làm gốm vuốt tay thủ công thì vất vả hơn nhiều, thu nhập lại thấp hơn, nhưng tôi vẫn thích vuốt gốm bằng tay, vì vuốt gốm bằng tay giúp tôi tạo ra được nhiều sản phẩm, nhiều mẫu mã khác nhau”, nghệ nhân Phạm Anh Đạo nói.

Bây giờ, anh Đạo là một trong số ít người rất giỏi trong việc tạo sản phẩm mẫu ở làng gốm Bát Tràng. Có nhiều gia đình khi khách hàng gửi ảnh mẫu sản phẩm sang, họ lại mang đến nhờ anh tạo hình để về làm khuôn, và chỉ sau khoảng 10-20 phút, anh đã cho ra đời sản phẩm mẫu theo đúng yêu cầu. Anh cũng là nghệ nhận trẻ tuổi nhất của làng gốm Bát Tràng được Sở Công Thương Hà Nội trao tặng danh hiệu nghệ nhân (khi mới 31 tuổi). Anh nhiều lần tham gia các cuộc thi “Bàn tay vàng nghề gốm sứ” và đoạt giải cao, anh cũng thường xuyên được mời tham gia thao diễn nghề vuốt gốm tại các sự kiện văn hóa lớn trong nước.

Mong muốn lớn nhất của người nghệ nhân trẻ bây giờ là được tiếp tục làm nghề, bởi “nghề vuốt gốm là cuộc sống của tôi, dù rất vất vả, nhưng tôi vẫn sẽ giữ nghề, không thể bỏ được”, nghệ nhân Phạm Anh Đạo nói.
Bài và ảnh: Phương Lan
Tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi làng gốm Bát Tràng
Tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi làng gốm Bát Tràng

Sáng 6/5, tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm-Hà Nội)đã diễn ra lễ tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề qua các thời kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN