“Tiểu ban Điều trị đã phải cân nhắc rất nhiều để có thể đi đến quyết định cho bệnh nhân chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị các bệnh nền kèm theo”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết. Bên cạnh việc giao Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiếp nhận bệnh nhân 1536 để tiếp tục điều trị bệnh nền và biến chứng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Đà Nẵng chỉ đạo Bệnh viện Phổi Đà Nẵng phối hợp Bệnh viện Đà Nẵng đánh giá người bệnh nếu đủ điều kiện làm thủ tục ra viện theo quy định; đồng thời tư vấn cho người nhà người bệnh về tình trạng bệnh, nguy cơ và các rủi ro có thể gặp phải trong quá trình chuyển viện và yêu cầu người nhà bệnh nhân ký cam kết và tổ chức vận chuyển người bệnh an toàn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, bệnh nhân 1536 từng có diễn biến rất nặng, thậm chí nặng hơn bệnh nhân 91 (phi công người Anh). “Bệnh nhân đã được hội chẩn quốc gia 7 lần, mỗi lần hội chẩn đều chứa đựng nhiều cảm xúc, vui, buồn, lo lắng...”. Tổ Hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình làm Tổ trưởng còn thường xuyên hội chẩn, thảo luận nhóm trên điện thoại. Tiểu ban Điều trị cũng đã hỗ trợ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng huy động tất cả các loại thuốc hiếm, các xét nghiệp chuyên biệt, các trang thiết bị hiện đại và những chăm sóc đặc biệt nhất…
“Có thời điểm bệnh nhân trải qua giai đoạn suy thận tiến triển, vô niệu, tiên lượng tử vong rất cao. Đến nay, bệnh nhân 1536 đã được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị có chuyên môn cao nhất trực thuộc Bộ Y tế theo đúng nguyện vọng của gia đình. Mặc dù vậy, việc điều trị bệnh nhân 1536 vẫn còn phải tiếp tục và kéo dài để giảm thiểu các biến chứng của các bệnh lý nền và phục hồi thể trạng” Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, không chỉ bệnh nhân người Việt Nam hay người nước ngoài, bất cứ bệnh nhân COVID-19 nào có những diễn biến nặng đều được Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, Tổ Hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng theo dõi sát và tư vấn chuyên môn kịp thời.
Đến nay, qua Trung tâm quản lý và điều hành hỗ chợ chẩn đoán và điều trị COVID-19 đã tổ chức hàng trăm buổi hội chẩn bệnh nhân COVID-19 rất nặng, trong đó có những bệnh nhân rất nặng, tiên lượng tử vong cao như bệnh nhân 19, 91, 1536...
Bệnh nhân 1536 nhập cảnh từ Mỹ về Việt Nam ngày 13/1/2021. Ngày 14/1, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 15/1, bệnh nhân nhập viện và được Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chẩn đoán viêm phổi do SARS-CoV-2. Bệnh nhân có các bệnh lý đi kèm là tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy tim, nhiễm trùng đường tiểu do nấm candida; bội nhiễm phổi..., thể trạng gầy, suy kiệt.
Ngày 19/1, bệnh nhân bắt đầu có suy hô hấp và đến ngày 21/1 phải thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO.
Ngày 6/2, Tiểu ban Điều trị cho biết, bệnh nhân 1536 đang trong tình trạng rất nặng, 2 đáy phổi đông đặc, phù nhẹ toàn thân, tiên lượng tử vong cao.
Trưa 30 Tết Nguyên đán Tân Sửu (tức ngày 11/2), tại buổi Hội chẩn quốc gia, các chuyên gia cho biết bệnh nhân 1536 hiện diễn tiến có thể giống bệnh nhân 91 (phi công người Anh).
Ngày 24/2, Hội đồng chuyên môn nhận định, bệnh nhân vẫn có diễn biến rất nặng, thậm chí nặng hơn bệnh nhân 91.
Sau đó, các buổi Hội chẩn quốc gia đã thường xuyên được tổ chức để đánh giá cũng như đưa ra những ý kiến chuyên môn cho điều trị, chăm sóc bệnh nhân 1536.
Tại buổi Hội chẩn quốc gia vào ngày 17/3, các chuyên gia đánh giá bệnh nhân 1536 đã có sự phục hồi nhất định dù vẫn có tình trạng yếu cơ của bệnh nhân nặng nằm lâu, còn huyết khối. Do có các bệnh lý nền đi kèm nên các chỉ số về dinh dưỡng và phục hồi chức năng cần được điều chỉnh từng chút một, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết gia đình bệnh bệnh nhân mong muốn bệnh nhân được chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh để tiện chăm sóc...