Các bác sĩ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vẫn đang điều trị tích cực cho bệnh nhân. Bệnh nhân vẫn đang thở máy xâm nhập và được các bác sĩ tiến hành học máu; đồng thời đang tập cai thở máy, kết hợp phục hồi chức năng hô hấp, vận động.
Đến 14h30 ngày 1/3, bệnh nhân đã hết sốt, mạch và huyết áp ổn định, nồng độ bão hoà oxy trong máu đạt 100%. Chức năng tim, gan, thận, phổi vẫn còn suy nặng nhưng đã có cải thiện khả quan hơn trước, chức năng đông máu được cải thiện. Da niêm mạc của bệnh nhân đã hồng. Chức năng tiêu hóa đã tốt hơn...
Kết quả xét nghiệm dịch tỵ hầu 5 lần liên tiếp gần đây bằng Real-Time PCR của bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân 1536 nhập cảnh từ Mỹ về Việt Nam ngày 13/1. Ngày 14/1, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị cùng ngày.
Trong quá trình điều trị đã có lúc bệnh nhân 1536 nguy kịch tưởng không qua khỏi, các y bác sĩ đã chuẩn bị sẵn mẫu giấy báo cáo tử vong… song với tinh thần "còn nước còn tát", nhờ sự kiên trì, nỗ lực từng giờ, từng phút của tất cả bác sĩ, điều dưỡng, đến nay bệnh nhân đã có những dấu hiệu cải thiện.
Bệnh nhân 1536 đã được Hội chẩn quốc gia 6 lần, Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng hội chẩn thường xuyên trên điện thoại. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cũng đã được điều sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp, song bệnh nhân vẫn có diễn biến rất nặng do cao tuổi (79 tuổi), nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường đi kèm nhiều năm.
Tất cả các trang thiết bị hiện đại, thuốc hiếm, các xét nghiệm chuyên sâu, dinh dưỡng… tốt nhất đều được huy động điều trị cho người bệnh. Các chuyên gia Tổ hội chẩn đánh giá bệnh nhân 1536 nguy kịch, nặng hơn cả bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh).
Dù đã có những hy vọng bước đầu, song các chuyên gia nhận định vẫn chưa thể nói trước được tình trạng bệnh nhân sắp tới do bệnh nhân đã lớn tuổi, nhiều bệnh nền mạn tính như suy tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng mạn…