Bộ Y tế nhận định, hiện nay là mùa cao điểm dịch, số mắc nhiễm tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số ca mắc mới sẽ gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo các chuyên gia y tế, trong tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp như hiện nay, cách phòng chống tốt nhất vẫn là diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt. Một người có thể bị nhiễm sốt xuất huyết nhiều lần, vì vậy những người đã từng mắc bệnh cũng không được chủ quan.
Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Phan Trọng Lân cho biết, sốt xuất huyết Dengue do bốn chủng vi rút Dengue gây ra. Khi nhiễm bất kỳ chủng vi rút Dengue nào thì con người sẽ có miễn dịch suốt đời với duy nhất chủng Dengue đó, nhưng không được miễn dịch bảo vệ chéo với ba chủng vi rút Dengue còn lại. Vì thế, những người chưa mắc những chủng còn lại thì vẫn có thể mắc. Một người trong suốt cuộc đời mình có thể bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết tối đa là bốn lần.
Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý: Nếu bị mắc bệnh từ lần sau trở đi với các chủng vi rút Dengue thứ hai, thứ ba, thứ tư thì bệnh nhân có thể sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xảy ra tình trạng sốc sốt xuất huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các chuyên gia, hiện nay các xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết được chia ra làm hai nhóm: nhóm tìm kháng nguyên và nhóm tìm kháng thể kháng virus Dengue. Các xét nghiệm tìm kháng nguyên được sử dụng bao gồm xét nghiệm NS1, RT-PCR và phân lập vi rút. Các xét nghiệm tìm kháng thể được sử dụng chủ yếu là MAC-ELISA. Tuy nhiên, tùy từng loại xét nghiệm mà sẽ có chỉ định cho từng thời điểm khác nhau của bệnh, các xét nghiệm tìm kháng nguyên thường được thực hiện trong vòng năm ngày đầu của bệnh, còn các xét nghiệm tìm kháng thể thường được thực hiện kể từ ngày thứ sáu trở đi của bệnh.
Việc điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là nhằm điều trị triệu chứng, điều quan trọng là phải theo dõi sát để phát hiện sớm các biến chứng và điều trị biến chứng một cách kịp thời.
Do đó, đối với những trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ, chúng ta có thể điều trị tại nhà, theo dõi các dấu hiệu cảnh báo, còn với các trường hợp sốt xuất huyết thể nặng thì phải nhập viện ngay.
Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người mà thông qua muỗi truyền. Muỗi có thể hút máu của người mắc bệnh rồi truyền bệnh khi đốt sang người khác hoặc truyền virus cho đời con, cháu của muỗi để tiếp tục truyền bệnh sang người.
Vì vậy việc diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt quan trọng hơn rất nhiều so với việc giữ gìn, cách ly người bệnh.
Về vắc xin phòng sốt xuất huyết, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên thế giới hiện có bốn công ty đang nghiên cứu vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết. Các công ty đều triển khai thử nghiệm lâm sàng ở nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu là tại các quốc gia lưu hành sốt xuất huyết mà tập trung nhiều ở khu vực châu Á và châu Mỹ La tinh.
Từ năm 2011 Việt Nam (cụ thể là Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh) cùng chín quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á và khu vực Mỹ La tinh tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha III của sản phẩm vắc xin ngừa sốt xuất huyết Dengue do công ty Sanofi Pasteur sản xuất. Các nghiên cứu này đã chứng minh rằng vắc xin an toàn và có hiệu quả ngừa bệnh sốt xuất huyết cho người từ 9 tuổi trở lên, đặc biệt là ngừa được sốt xuất huyết nặng và sốt xuất huyết nhập viện.
Dựa trên kết quả này, Sanofi đã đăng ký lưu hành vắc xin ở 22 quốc gia/vùng lãnh thổ lưu hành bệnh sốt xuất huyết thuộc Mỹ La tinh, châu Á và châu Âu với tên thương mại là Dengvaxia.
Hiện tại, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với với nhà tài trợ để cập nhật đầy đủ kết quả nghiên cứu vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết đến các đối tượng tình nguyện tham gia và hoàn tất các thủ tục, chuẩn bị nghiệm thu kết thúc nghiên cứu tại Việt Nam.
Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên để ngăn muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt thì phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.