Trẻ con, người lớn ồ ạt nhập viện
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2019, số ca sốt xuất huyết nhập tại bệnh viện này là 5.161, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, số ca bệnh nặng cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là ở người lớn.
Tại khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, trong tháng 6 qua đã tiếp nhận gần 800 ca bệnh, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Hiện trung bình mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận thêm từ 50 - 70 ca bệnh nhập viện. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D cho biết, dù đã phải kê thêm gần 30 giường bệnh, nhưng khoa này đang quá tải bởi bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện gia tăng nhanh.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh những ngày qua cũng chứng kiến bệnh nhi “ồ ạt” nhập viện do sốt xuất huyết. Đơn cử trong ngày 9/7, Khoa Nhiễm của Bệnh viện này có đến 65 trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11 trẻ bị nặng và 1 trường hợp phải thở máy. Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, một số trẻ nhập viện trong tình trạng sốc, mạch và huyết áp không đo được.
Tương tự tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do sốt xuất huyết những ngày qua. Trung bình có từ 50 - 60 trẻ mắc sốt xuất huyết được điều trị tại các đơn vị này mỗi ngày.
Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến nay, tại 20 tỉnh thuộc khu vực phía Nam đã có gần 50.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết, cả ở người lớn và trẻ em, cao hơn cùng kỳ năm trước 139%. Riêng tại TP Hồ Chí Minh - địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước có 24.768 ca bệnh sốt xuất huyết cả nội trú lẫn ngoại trú, tăng 176% so với cùng kỳ năm 2018.
Hạn chế tử vong, tích cực phòng bệnh
Lý giải nguyên nhân số ca mắc sốt xuất huyết cao, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP Hồ Chí Minh là địa bàn phức tạp, có mật độ dân cư cao, công trình xây dựng nhiều, vì thế rất khó kiểm soát bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng. Một trong những khó khăn mà TP Hồ Chí Minh gặp phải là mùa dịch năm 2018-2019 kết thúc muộn khi đỉnh dịch kéo dài đến tháng 1/2019 và tháng 4/2019 mới kết thúc. Đến tháng 6/2019 khi mùa mưa đến, số ca sốt xuất huyết lại ồ ạt tăng cao. Như vậy, khoảng thời gian nghỉ giữa hai mùa dịch chỉ có một tháng, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Ngoài nỗ lực của ngành Y tế, việc vận động người dân tham gia vào công tác phòng chống sốt xuất huyết rất quan trọng. Thế nhưng, cho đến nay, sự bất hợp tác của một số người dân trong việc phòng chống sốt xuất huyết cũng là nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát bệnh này trở nên khó khăn hơn. Thực tế khi nhân viên y tế phường, xã đến tận hộ dân thông báo sẽ phun hóa chất diệt muỗi tại khu dân cư, nhiều người dân đóng cửa để hóa chất không bay vào nhà.
“Kể cả khi chúng tôi sử dụng máy phun chuyên dụng để phun hóa chất cho những ngôi nhà cao 2 - 3 tầng thì người dân cũng đóng cửa sổ lại, điều này gây nên sự lãng phí lớn mà không mang lại hiệu quả phòng chống dịch”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng chia sẻ.
Không những có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước tính đến ngày 11/7, TP Hồ Chí Minh cũng có số ca tử vong do sốt xuất huyết nhiều nhất với 5 trường hợp tử vong, trong đó 3 người lớn và 2 trẻ em. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2018 không ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết.
“Số ca bệnh tử vong tỷ lệ thuận với số ca mắc, do đó để hạn chế tử vong do sốt xuất huyết, chúng ta cần phải giảm số lượng ca mắc bệnh”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, thực hiện test nhanh, xác định mắc sốt xuất huyết hay không. Ngoài ra, khi có các dấu hiệu nguy cơ như sốt cao, đau nhiều ở hạ sườn phải, đi tiêu - đi tiểu ra máu, chảy máu cam, xuất huyết dưới da thì người dân nên nhập viện để điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra. Riêng đối với những người có cơ địa đặc thù, béo phì hay có bệnh nền, cần nhập viện điều trị sớm bởi những trường hợp này dễ tử vong nếu mắc sốt xuất huyết.
Để huy động người dân cùng chung tay phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố đã thay đổi cách tiếp cận với cộng đồng bằng thông điệp “Cuối tuần không có lăng quăng, cả tuần không có muỗi”, nhằm vận động người dân dành 15 - 20 phút vào ngày cuối tuần dọn dẹp môi trường sống xung quanh, loại bỏ các vật dụng chứa nước. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng nòng cốt như đoàn thanh niên, dân phòng, quân đội, các cơ sở giáo dục, tôn giáo, cùng chung sức vận động phòng chống sốt xuất huyết.
“Nếu chúng ta quyết tâm, thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp và tập hợp được sức mạnh của toàn dân cùng chung tay chống dịch thì sẽ giảm được số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng trong thời gian tới”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.