Theo ông Nguyễn Đức Khoa, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng kéo dài xen lẫn các đợt mưa khiến các véc-tơ gây bệnh sốt xuất huyết sinh sôi toàn cầu.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và ghi nhận số ca mắc tăng cao tại nhiều quốc gia. Riêng tại Việt Nam, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 3,2 lần so với cùng kỳ 2018 (gần 100.000 ca). Đặc biệt, trong 5 tuần trở lại đây, sốt xuất huyết tại 34 tỉnh, thành phố của các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam tăng mạnh.
Theo nhận định của Bộ Y tế, ở những tháng tới, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng do mới chỉ bước vào mùa dịch bệnh. Vì vậy, cần phải tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, huy động tất cả các ban, ngành, đoàn thể, người dân cùng tham gia cuộc chiến chống sốt xuất huyết.
Theo ông Huỳnh Cao Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, tỉnh có dân số đông, địa bàn rộng, tập trung nhiều công nhân lao động sinh sống ở các khu nhà trọ. Đặc biệt, công nhân sau khi đi làm về chỉ tập trung ăn uống, nghỉ ngơi, ít có thời gian sinh hoạt giải trí, tiếp cận thông tin đại chúng. Do đó, việc phổ biến các phương pháp chủ động phòng chống sốt xuất huyết đến người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, ngành y tế Đồng Nai đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh như duy trì hàng tuần, mỗi tuần dành 1 buổi tổng vệ sinh các khu nhà trọ lụp xụp, diệt muỗi, lăng quăng, vệ sinh các vật dụng chứa nước, những khu vực xử lý rác; nâng cao ý thức người dân thông qua tờ rơi, cộng tác viên y tế thôn bản…
Theo ông Huỳnh Cao Hải, hiện Đồng Nai đang thí điểm mô hình sử dụng nhân lực của các đoàn thể, tổ chức để phòng chống sốt xuất huyết, tức là không chỉ riêng các cộng tác viên y tế tham gia công tác tuyên truyền đến người dân, mà các tổ chức đoàn thể cùng thực hiện. Mô hình này dù mới thí điểm nhưng phát huy hiệu quả tốt, ngành y tế Đồng Nai đang xem xét nhân rộng các hoạt động này để nâng cao chất lượng các hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Ông Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nhiệm vụ trong thời gian tới ở Đồng Nai và khu vực phía Nam là giám sát tốt véc-tơ bọ gậy, lăng quăng và muỗi. Nếu thấy chỉ số tăng thì phải xử lý ngay, đồng thời giám sát chặt chẽ các ca bệnh sốt xuất huyết. Việc phát hiện ca bệnh sớm vừa để xử lý ổ bệnh không để lan ra cộng đồng, vừa để chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân, vừa giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ngoài ra, cần vận động các ban, ngành, đoàn thể như Đoàn thanh niên, học sinh sinh viên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, các tôn giáo… cùng vào cuộc; qua đó tạo ra sự thay đổi về nhận thức trong việc dẹp bỏ vật chứa nước không chỉ một thời điểm mà phải hàng tuần, thường xuyên.
Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát thực tế tình hình phòng chống sốt xuất huyết tại phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai). Tại đây, Đoàn phối hợp với địa phương tổ chức phát tờ rơi, hướng dẫn cho người dân ký cam kết loại trừ lăng quăng khu vực xung quanh nhà, phun thuốc và hóa chất diệt muỗi đường và nhà dân.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, tính đến đầu tháng 7/2019, toàn tỉnh ghi nhận hơn 5.800 ca mắc sốt xuất huyết (cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái), phát hiện hơn 1.100 ổ bệnh sốt xuất huyết (tăng 200%), trong đó số ổ bệnh đã được xử lý đạt hơn 98%. Chỉ tính riêng tuần từ ngày 5 - 11/7, toàn tỉnh ghi nhận 584 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 11% so với tuần trước đó (526 ca) và tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.