Trước đó, vào ngày 31/12 bà Hồ Thị Năm nhập viện trong tình trạng hôn mê, sốc nhiễm khuẩn, huyết áp tụt, căn bệnh đái tháo đường không ổn định, cẳng tay phải viêm tấy đỏ, sưng to, chuyển màu đen, có hiện tượng mủ tụ dưới da, da bị hoại tử.
Bà Hồ Thị Năm cho biết, trước đây lòng bàn tay phải bị sưng đỏ, tưởng bị gai đâm nên bà đã lấy kim khâu để khều gai ra. Tuy nhiên bà không tìm thấy gai mà sau đó cả bàn tay lẫn cẳng tay bị sưng phù, tím đen. Tiếp theo, vết khều sưng to, đau nhức rồi lan rộng lên cẳng tay phải. Bà Năm đã tự mua thuốc kháng sinh uống nhưng vết thương ngày càng nặng và lan rộng. Năm ngày sau đó, bà Hội phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tính mạng bị đe dọa.
Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark, cho biết, khi các bác sĩ tiến hành cắt lọc phần da bị hoại tử, thấy có rất nhiều mủ tụ ở dưới da. Do bệnh nhân đã cứng tuổi lại có thêm bệnh lý đái tháo đường suốt năm năm nên bệnh nhân dễ bị phản ứng khi gặp tổn thương dù là những tổn thương nhỏ. Trường hợp này nếu bệnh nhân không được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời sẽ bị nhiễm trùng huyết nặng và sẽ tử vong do bị sốc nhiễm trùng.
Bác sĩ Trần Đoàn Đạo khuyến cáo người dân, đặc biệt là người cao tuổi, không nên tự chích, khều gai, dị vật ẩn sâu trong thịt khi không đảm bảo điều kiện vô trùng. Những người bị đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch, người già cần cẩn trọng hơn người bình thường.
Trong trường hợp bị vướng dị vật, phần da thịt có dấu hiệu sưng lên, nhức, đỏ khác thường thì người dân nên đến bệnh viện để các bác sĩ can thiệp sớm. Đặc biệt, khi có dấu hiệu hoại tử ở vết thương thì người bệnh không nên tự mua thuốc uống, tránh dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh, bệnh nặng hơn.