Bệnh nhân sốt xuất huyết hết sốt mới vào giai đoạn nguy hiểm

Khi mắc sốt xuất huyết, giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 mắc bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất, bệnh nhân dễ rơi vào sốc, mất máu, hạ tiểu cầu...

Chú thích ảnh
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang phải thở máy tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Đặng Thanh

Nhiều ca sốc mất máu nguy kịch

Miền Bắc đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, số ca mắc tăng cũng kéo theo số ca nặng tăng, nhiều trường hợp biến chứng nguy kịch.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, hiện bệnh viện đang tiếp nhận điều trị khoảng 190 ca sốt xuất huyết; trong đó có 4 ca nặng, đặc biệt, có 2 ca có dấu hiệu sốc xuất huyết và sốc mất máu.

Sức khỏe đã ổn định hơn nhưng vẫn phải thở máy, một bệnh nhân là sản phụ (ở Hà Nội) bị mắc sốt xuất huyết, vừa phải được mổ đẻ khi mang thai 34 tuần.

ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh nhân này nhập viện khi mắc sốt xuất huyết ở ngày thứ 4; vào viện được 2 ngày, bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ và được mổ đẻ kịp thời. Hiện tại, bệnh nhân đã bước sang tuần thứ 2 của xuất huyết và tình trạng đã ổn định hơn, tỉnh và vẫn đang tiếp tục thở máy”.

Cũng đang được điều trị tích cực tại đây, bệnh nhân nữ (46 tuổi, Hà Nội) vào viện khi mắc sốt xuất huyết ngày thứ 6; đã có tình trạng xuất huyết dưới cơ thành bụng. Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, bị sốc mất máu, suy hô hấp phải thở máy; tuy nhiên bệnh nhân cũng đã có dấu hiệu chảy máu chậm lại và đang tiếp tục được hỗ trợ truyền chế phẩm máu.

Chú thích ảnh
Nhiều bệnh nhân vào viện đã trong tình trạng nặng.

Về ca mắc sốt xuất huyết Dengue bị xuất huyết trong cơ thành bụng, theo ThS.BS Phạm Văn Phúc, đây là trường hợp ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Cụ thể, ở vị trí thành bụng, mật độ cơ và mô có kết cấu rất lỏng lẻo, nhất là ở phụ nữ, dễ dẫn đến xuất huyết ồ ạt, rất khó cầm máu. Với tình trạng bệnh nhân có tiểu cầu giảm rất thấp, gây rối loạn đông máu và bất kỳ can thiệp vào vị trí xuất huyết đều có thể khiến nguy cơ chảy máu cao hơn. Với bệnh nhân trên, các bác sĩ phải theo dõi quá trình mất máu, tốc độ mất máu… nếu tốc độ mất máu lớn hơn tốc độ truyền máu vào, sẽ bắt buộc phải xử lý về mặt ngoại khoa.

Cũng theo ThS.BS Phạm Văn Phúc, khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể bị xuất huyết ở rất nhiều vị trí như chân răng, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết trong cơ… ít gặp là xuất huyết ở cơ thành bụng. Khi phát hiện bệnh nhân mất máu, bác sĩ phải thăm khám kỹ để tìm vị trí xuất huyết để có hướng xử lý, điều trị phù hợp nhất.

Khi dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, các ca nặng tăng lên; tại Khoa Hồi sức tích cực cũng ghi nhận các bệnh nhân với các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue như: Sốc, sốc mất máu, sốc nhiễm trùng, giảm tiểu cầu hay tình trạng viêm não…

Chú thích ảnh
Bệnh nhân bị xuất huyết biểu hiện dưới da. 

Không chủ quan khi hết sốt

“Nhiều người bị sốt xuất huyết đến ngày thứ 3 thấy đỡ sốt đã chủ quan. Trong khi, ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 mắc bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất, khi người bệnh sẽ có tình trạng sốc, các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu...”, BS. Phạm Văn Phúc cảnh báo.

Cụ thể, trong khoảng 4 ngày đầu mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường gặp các triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi, nhưng chưa có những triệu chứng rầm rộ; giai đoạn này chưa phải thời điểm nặng nhất của sốt xuất huyết, nhưng đây là giai đoạn phát hiện và theo dõi các biến chứng. Đến giai đoạn ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất; người bệnh rất dễ rơi vào sốc, có các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu… ở giai đoạn này.

Để tránh những biến chứng của bệnh, bác sĩ cũng khuyến cáo, các bệnh nhân khi đã khám và phát hiện mắc sốt xuất huyết cần phải tuân thủ để có thể phát hiện, điều trị kịp thời, đúng thời điểm.

“Thực tế nhiều người bệnh, khi thấy đỡ sốt đã nghĩ khỏi bệnh hay nghĩ chỉ là do sốt virus thông thường có thể sẽ chủ quan ở giai đoạn nguy hiểm này, dẫn đến không được xét nghiệm, không được theo dõi, điều trị dẫn đến tình trạng sốc, rối loạn các chỉ số, đặc biệt là tiểu cầu giảm mới vào viện cấp cứu”, bác sĩ Phạm Văn Phúc cho biết.

Theo đó, sốt xuất huyết là do virus gây ra, với triệu chứng ban đầu giống như mắc các virus khác. Tuy nhiên, sốt xuất huyết có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong, khi rơi vào tình trạng sốc, chảy máu… Vì vậy, trong thời gian cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, người dân khi có triệu chứng sốt, đau người, mệt mỏi nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp nhất, theo dõi và tránh được các biến chứng nặng.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết
Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

Bộ Y tế đánh giá, đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc sốt xuất huyết tại nhiều địa phương tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN