Bệnh bạch hầu có những thể nào?

Cơ thể người là ổ chứa vi khuẩn bạch hầu, bệnh rất dễ lây lan và lây chủ yếu qua tiếp xúc với người mắc bệnh. Hiện bệnh bạch hầu có nhiều thể biểu hiện ở các vị trí trên cơ thể.

Chú thích ảnh
Khám cho người dân trong vùng có dịch bạch hầu. Ảnh: TTXVN

TS. Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Cơ thể người chính là ổ chứa vi khuẩn bạch hầu. Bệnh lây truyền qua những con đường sau:

- Chủ yếu qua tiếp xúc của người lành với người bệnh hoặc người lành mang trùng.

- Qua tiếp xúc với các chất tiết đường hô hấp của người bệnh có chưa vi khuẩn bạch hầu phát tán ra bên ngoài.

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Lâm, biểu hiện lâm sàng của bệnh bạch hầu tuỳ thuộc vào biểu hiện nhiễm trùng tại chỗ, tình trạng miễn dịch của bệnh nhân, và mức độ lan tràn độc tố trong máu. Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau gồm các thể dưới đây:

Bạch hầu mũi:

Bệnh có biểu hiện giống như một trường hợp viêm đường hô hấp, đặc biệt có chảy mũi nước và triệu chứng toàn thân nghèo nàn, dần dần chất dịch mũi trở nên nhầy quánh và đôi khi có máu và làm tổn thương bờ môi trên, dịch bốc mùi hôi có thể cảm nhận được. Các bác sĩ khi thăm khám cẩn thận sẽ thấy một màng trắng trong hốc mũi. Do bệnh này không bộc lộ nhiều triệu chứng trên toàn thân nên các bác sĩ thường khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh sớm.

Bạch hầu họng – amiđan:

Đây là dạng thường gặp hơn cả, chiếm khoảng 1/2 đến 2/3 trường hợp mắc bệnh. Biểu hiện bệnh là bệnh nhân chán ăn, bất an, viêm họng, sốt nhẹ; nhiệt độ thường trong khoảng 38- 38,5 độ C. Trong vòng 1- 2 ngày sau khi mắc bệnh sẽ có màng giả xuất hiện. Màng giả ban đầu mỏng, màu trắng ngà, lan dần từ amidan đến vòm khẩu cái, màng giả dính với niêm mạc bên dưới và phủ mặt vòm hầu và thành sau họng có khi lan xuống thanh khí quản, nếu bóc tách màng giả dễ gây chảy máu. Hạch bạch huyết vùng cổ phản ứng có khi phù nề vùng mô mềm của cổ rất trầm trọng tạo thành triệu chứng được gọi là dấu cổ bò “ Bull neck”. Đây là triệu chứng rất nặng nề, có khi gây xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hoá và tiểu ra máu, tình trạng này kéo dài trong vài ngày, nhanh chóng chuyển sang nhiễm độc năng và tử vong.

Tiến trình của bệnh bạch hầu tuỳ thuộc vào diện tích của màng giả và lượng độc tố sản xuất.

Một số trường hợp bệnh nhân có suy hô hấp và tuần hoàn, tỷ lệ mạch – nhiệt độ gia tăng không tương ứng, khẩu cái có thể bị liệt, làm thay đổi giọng nói, ăn uống sặc và khó nuốt, lú lẫn, hôn mê và có thể tử vong. Một số trường hợp hồi phục chậm, có biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.

Bạch hầu thanh quản:

Nguyên nhân thường do màng giả từ họng lan xuống. Bệnh nhân có biểu hiện thở dữ dội, tiếng rít thanh quản, khàn giọng, cần phân biệt với các trường hợp viêm thanh quản do các nguyên nhân khác, phản xạ co kéo trên xương ức, thượng đòn và khoảng gian sườn rất dữ dội, có khi có sự tắt thanh quản và có thể chết nếu không được khai khí quản kịp thời. Thỉnh thoảng bệnh nhân xuất hiện khó thở đột ngột do tắt nghẽn vì một phần màng giả bóc ra bít đường thở gây tử vong.

Để phòng bệnh bạch hầu, giải pháp hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Lịch tiêm mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu được khuyến cáo như sau:

- Dưới 1 tuổi tiêm 3 mũi đầu

- 18-24 tháng nhắc lại mũi thứ 4

- 7 tuổi nhắc lại mũi thứ 5

- Mũi thứ 6 khuyến cáo tiêm cho người từ 9-15 tuổi, trước khi bước vào độ tuổi sinh đẻ.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Phát động chiến dịch tiêm phòng bệnh bạch hầu toàn khu vực Tây Nguyên
Phát động chiến dịch tiêm phòng bệnh bạch hầu toàn khu vực Tây Nguyên

Chiều 9/7, tại thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai), Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân và Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp phát động chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu trong toàn khu vực Tây Nguyên, nhằm ứng phó với tình hình bệnh bạch hầu đang diễn biến hết sức phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN