Giao lưu với các đại biểu tham gia chương trình “Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” giai đoạn 2014-2017. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Đây là thông tin được đưa ra trong Hội nghị tổng kết chương trình "Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng" giai đoạn 2014-2017 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Y tế, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức ngày 11/1 tại Hà Nội.
Chương trình "Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng" nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, góp phần chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho các đối tượng nghèo, khó khăn, gia đình chính sách xã hội; ưu tiên các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo và tạo thành phong trào thường xuyên tại cộng đồng. Mục tiêu hằng năm, tổ chức khám, chữa bệnh nhân đạo và cấp thuốc miễn phí cho ít nhất một triệu lượt người trên toàn quốc
Với chủ đề “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng”, sau 4 năm triển khai (từ ngày 1/9/2014 đến 30/11/2017) chương trình đã tổ chức hơn 13.400 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 6 triệu lượt người, với tổng trị giá trên 1.318 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuốc hơn 525 tỷ đồng; hơn 3,1 triệu suất quà trị giá hơn 448 tỷ đồng tặng cho các đối tượng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ bữa ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo trong Bệnh viện, hỗ trợ mổ tim, tặng nhà tình thương, tặng bò... cho hơn 7,7 triệu người nghèo, khó khăn với trị giá trên 225 tỷ đồng. Chương trình đã huy động hơn 257.300 y, bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, tình nguyện viên từ các Bệnh viện thuộc Bộ Y tế và Quân đội... tham gia thực hiện các đợt khám bệnh. Chương trình cũng nhận được sự ủng họi nguồn lực của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Thị Hồng An cho biết, bốn đơn vị phối hợp đã phát huy thế mạnh, huy động nguồn lực hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số, nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; chia sẻ gánh nặng chăm sóc sức khoẻ người dân với Bộ Y tế. Chương trình đã phát hiện được nhiều trường hợp bệnh nặng để điều trị, chuyển tuyến kịp thời...
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, chương trình đã đưa được những dịch vụ y tế chuyên sâu, chất lượng cao tới vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua các hoạt động này đã thúc đẩy, thu hút được nhiều thầy thuốc trẻ đi đến các vùng khó khăn, vùng sâu, xa để đồng cảm, chia sẻ với người bệnh, phát huy năng lực của mình và từ đó cố gắng hơn nữa trong công tác. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị trong thời gian tới nên thay đổi lại chương trình hành động, kế hoạch đặt ra cho phù hợp với tình hình mới. Trong đó, nên tiếp tục đưa những dịch vụ y tế kỹ thuật cao đến vùng sâu, xa; cố gắng tận dụng trí tuệ, năng lực của nhân lực y tế tại địa phương để tiết kiệm chi phí.
Tại Hội nghị, 8 đơn vị đã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 56 tập thể và 122 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ Y tế; 36 tập thể được tặng bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; 29 tập thể được nhận bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác khám, chữa bệnh nhân đạo.