“Tờ tuần báo chính trị, xã hội Tuần Tin tức cùng với tờ Tin mới nhất Espana 82, Văn hoá, Thể thao Quốc tế ra đời từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ngày ấy đã mở ra một lối làm báo hoàn toàn khác. Đó là mua giấy theo giá tự do, in theo giá thoả thuận, bán theo giá có lãi và tự phát hành rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Nhu cầu thông tin bức thiết, chính đáng của đông đảo độc giả được đáp ứng bằng một phương thức mới, người nhận thông tin phải trả tiền cho thứ hàng hóa đặc biệt này, không chờ Nhà nước cho không” - Nhà báo kỳ cựu Trần Mai Hạnh nhớ lại và khẳng định mình may mắn được chọn là Thư ký tòa soạn đầu tiên của các tờ tuần báo kể trên, trong đó có 12 năm (1983 - 1995) ông là Phó Tổng biên tập thường trực báo Tuần Tin tức.
Thời đói thông tin và sự ra đời của Tuần Tin tức
Những năm ấy, ngoài nghèo khó vật chất bủa vây, người dân còn phải chịu sự cùng cực của đói thông tin. Thông tin chiến tranh và chung quanh cuộc chiến là thông tin trọng yếu nhất cho mỗi người, mỗi gia đình. Tình trạng đó kéo dài nhiều thập kỷ, tạo nên một thói quen gần như luật lệ đối với cả báo chí (cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin) và người dân (đối tượng tiếp nhận thông tin).
Chiều thông tin từ trên xuống không chỉ chậm, hạn hẹp mà còn công thức, dập khuôn, nhàm chán; sự can thiệp của các cơ quan trung gian khiến báo chí lâm vào tình cảnh việc không cần thông tin thì yêu cầu các báo phải thông tin ngay, thông tin bằng được; việc cần phải thông tin trong lúc dư luận đòi hỏi dữ dội thì lại bị hạn chế.
Trong khi đó, chiều thông tin từ dưới lên chậm, thiếu trung thực, không phản ánh đúng thực tiễn sinh động đang diễn ra, nói nhiều về cái hay, cái thuận lợi, lờ đi cái dở, cái khó khăn. Khuyết điểm tô hồng thực tại, không quan tâm đến khó khăn, thiếu thốn thậm chí những bất công, oan ức mà người dân phải gánh chịu đã khiến quần chúng thiếu tin tưởng, không mặn mà với báo chí.
Đơn cử, khi đưa tin về một cơn bão lớn, TTXVN không được đưa về những thiệt hại cụ thể (bao nhiêu người chết, bao nhiều nhà cửa sập đổ, mùa màng thiệt hại thế nào) vì sợ đưa như thế sẽ gây hoang mang. Trong khi, cái không được đưa đó lại chính là cái cốt lõi của sự thật, của tin tức, là cái quần chúng muốn biết nhất, thông tin cái đó chỉ có lợi mà thôi: Cả nước cảm thông, chia sẻ với vùng bão lũ, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ.
TTXVN mặc định được xem là ngân hàng cung cấp thông tin cho các báo. Tin bài ảnh của phóng viên TTXVN sản xuất ra phải được các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình lựa chọn đăng tải thì mới tới được công chúng. Khi ấy, TTXVN không có một phương tiện nào (báo, tạp chí) để trực tiếp đưa thông tin tới bạn đọc. Đó là một hạn chế, thiệt thòi rất lớn đối với các phóng viên TTXVN.
Bản thân tôi cũng phải nhờ các bài gửi trực tiếp cho các báo hoặc các bài viết in trên bản tin TTXVN được các báo lựa chọn đăng lại mới xác lập được tên tuổi và vị thế bình luận viên thể thao của mình. Không chỉ người dân mới bức bối vì sự nghèo đói thông tin, mà những người làm báo cũng loay hoay với ngòi bút của mình khi đối diện với sự thật.
“Phản ánh sự thật như thế nào?” - Câu hỏi đó luôn xuất hiện khi tôi viết về các sự việc, các vấn đề nóng bỏng, gay cấn. Có sự thật của mặt tốt thì cũng có sự thật của mặt xấu. Nói ưu điểm là nói sự thật của mặt tốt. Nói khuyết điểm là nói sự thật của mặt xấu. Sự thật phải được trình bày một cách toàn diện. Nói một mặt, một chiều là tô hồng hay bôi đen đều không đúng sự thật, làm cho người tiếp nhận thông tin ngộ nhận, nghi ngờ.
Tờ tuần báo chính trị, xã hội Tuần Tin tức ra đời ngày 14/5/1983 trong bối cảnh đất nước cực kỳ khó khăn, thậm chí nguy nan. Khủng hoảng kinh tế xã hội đã xuống đến tận đáy, lòng dân không yên. Cuộc khủng hoảng nảy sinh từ cuối thập niên 1970 do cải tạo tư sản ở miền Nam quá mức, do chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc kéo dài, do Mỹ bao vây, cấm vận nước ta ngày càng khắc nghiệt. Nạn thiếu lương thực trầm trọng và đói hàng tiêu dùng kéo dài triền miên, thậm chí đến cây kim, sợi chỉ cũng khan hiếm. Vật giá leo thang phi mã. Tất cả các lĩnh vực kinh tế đều lâm vào khủng hoảng. Đất nước được đặt trong hai chọn lựa sống còn, một là tìm cách làm khác (sau này gọi là "đổi mới") để tiến lên hay cứ đi theo con đường đang đi.
Trong cơn vật vã đó, với quyết tâm mở rộng thông tin đa dạng, đa chiều, hoà vào dòng chảy thông tin sôi động của thế giới, dấn thân trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, ủng hộ nhân tố mới, cách làm mới, Tuần Tin tức do Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng trực tiếp làm Tổng biên tập đã nhanh chóng chiếm được sự tin cậy của bạn đọc. Lượng phát hành tăng nhanh trong cả nước.
Là Phó trưởng Ban biên tập Tin trong nước (TTXVN) đồng thời là Phó Tổng biên tập thường trực Tuần Tin tức, tôi điều hành tòa soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Giám đốc Đào Tùng, mọi bài vở chủ yếu do Ban Tin trong nước và Ban Tin thế giới chuẩn bị, tôi chịu trách nhiệm viết cũng như cử phóng viên đi điều tra các vụ việc rồi tiến hành thẩm định tính chính xác của bài viết trước khi đăng trên Tuần Tin tức.
Vốn thiếu, cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, nhưng nặng nề nhất vẫn là lối tư duy cũ, cách viết cũ, đường mòn sáo rỗng không tính tới nhu cầu và trình độ người đọc. Ngay từ những số báo đầu tiên, Tuần Tin tức với lớp cán bộ và phóng viên mang tinh thần của người mở đường đã tìm ra một hướng đi độc đáo là tấn công trực diện vào những tệ nạn tiêu cực đang lặn sâu trong cơ chế quan liêu bao cấp.
Những bài điều tra công phu, có sức công phá mạnh mẽ của sự thật đã vạch trần những tiêu cực xảy ra ở không ít ngành, địa phương đồng thời cũng phát hiện, trân trọng, nâng niu những nhân tố mới, điển hình mới giữa biết bao ràng buộc của cơ chế cũ, tiếp sức ươm mầm cho cái mới, cái tiến bộ phát triển. Báo Tuần Tin tức đã góp một tiếng nói, một cách nhìn và một thái độ đầy trách nhiệm trong đêm trước của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
"Tờ báo của đêm trước đổi mới", đó là đánh giá bao quát về Tuần Tin tức của nhiều nhà báo lão thành nhân dịp kỷ niệm 30 năm báo Tuần Tin tức ra số đầu tiên (14/5/1983 - 14/5/2013).
Tờ báo của đấu tranh chống tiêu cực
Đầu năm 1986, mặc dầu khủng hoảng kinh tế xã hội đã xuống tận đáy, cuộc sống vật vã trong khó khăn thiếu thốn tận cùng, nhưng báo chí nước ta, trong đó có Tuần Tin tức lại có những khởi sắc rõ rệt. Điều dễ dàng nhận thấy là sự đổi mới về nội dung thông tin, lối mòn thông tin một chiều được khắc phục, cuộc sống được phản ánh chân thực hơn, không một lĩnh vực nào có quan hệ đến cuộc sống của người dân và vận mệnh đất nước bị bỏ qua, các sự kiện lớn trên thế giới đều được thông tin và bình luận trên Tuần Tin tức.
Đặc biệt Tuần Tin tức đã góp phần đắc lực vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế mới. Hàng loạt vụ việc tiêu cực được phanh phui trước công luận. Thư bạn đọc xa gần tới tấp gửi về tòa soạn Tuần Tin tức. Nhiều người tìm đến tòa soạn để nhờ nói lên nỗi oan ức của mình.
Bạn đọc gắn bó với Tuần Tin tức, sử dụng Tuần Tin tức để đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, bất công trong xã hội, phát huy dân chủ, lập lại trật tự, kỷ cương và công bằng xã hội.
Những bài điều tra vạch trần tiêu cực, sai phạm của các đơn vị, ngành, địa phương trong cả nước liên quan tới cả uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ đăng trên Tuần Tin tức được cán bộ, nhân dân đồng lòng ủng hộ, nhưng người có chức quyền và thế lực sai phạm thì dùng tới cả bộ máy chuyên chính trong tay (công an, kiểm sát, tòa án) phản công quyết liệt.
Bản lĩnh của lãnh đạo TTXVN và đội ngũ phóng viên thường trú tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã giúp Tuần Tin tức đứng vững, trở thành tờ báo hàng đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Báo phát hành đồng thời ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tia-ra lên tới cả trăm ngàn bản/kỳ.
Đấu tranh chống tiêu cực là chuyên mục thường xuyên làm nên thương hiệu của báo. Sáng thứ Năm hàng tuần, bạn đọc đón đợi báo mới, nhiều số in không đủ nhu cầu người đọc, các đại lý đã phô tô thêm báo để bán. Mong ước TTXVN có được tờ báo phát hành trực tiếp tới bạn đọc đã trở thành hiện thực. Hàng loạt bài đăng trên Tuần Tin tức đã làm nên tên tuổi của tôi trong giới báo chí. Có trong tay tờ báo thật hạnh phúc. Bởi những bài viết tâm huyết, thể hiện chính kiến của mình, trước đây khi chưa có Tuần Tin tức, tôi gửi tới các tòa soạn báo với tư cách cộng tác viên đã không dễ gì được chấp nhận.
Tuần Tin tức vừa ra đời đã tung ra bài điều tra "Ngành than trước ngưỡng báo động", rung hồi chuông cảnh báo về nguy cơ của ngành than. Đây là bài thông tấn đầu tiên phê phán một ngành công tác lớn vì cả lợi ích chung và lợi ích cụ thể của công nhân ngành than. Lúc đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã quyết định ngừng chuyến đi công tác nước ngoài của Bộ trưởng Bộ chủ quản và triệu tập Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình, giao cho các nhà lãnh đạo này tiến hành kiểm tra, tự phê bình nghiêm khắc và giải quyết ngay những khuyết điểm, thiếu sót mà bài báo đề cập.
Lần đầu tiên những nhân vật chính quyền cao cấp bị phê phán từ một bài báo công khai trên tờ Tuần Tin tức vừa mới ra đời, chưa có giấy phép, là một điều có vẻ không bình thường. Lãnh đạo TTXVN chịu sự phản ứng gay gắt từ nhiều phía. Bước "dò dẫm" trên con đường đổi mới thông tin của Tuần Tin tức và báo chí truyền thông những tháng ngày đầu tiên ấy thật gian truân.
Cho đến ngày 13/9/1986, khi Tuần Tin tức số 37 (173) đăng bài "Cướp cạn giữa ban ngày" phê phán những tiêu cực, lộng hành của Giám đốc Công ty kinh doanh tổng hợp tỉnh Thanh Hoá phát hành, thì cuộc đấu tranh chống tiêu cực trên báo chí đã có bước phát triển mới. Cuộc đấu tranh này không chỉ được tiến hành riêng lẻ ở từng báo như trước đây, mà đã có sự phối hợp đồng thời, cùng lúc ở nhiều báo.
Sau phát súng mở màn với bài "Cướp cạn giữa ban ngày" trên Tuần Tin tức, thì nhiều cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương đã vào cuộc với các bài điều tra vạch trần và phê phán các vụ tiêu cực ở tỉnh Thanh Hoá. Ông Hà Trọng Hòa, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá đã sử dụng bộ máy quyền lực của mình (Công an, Kiểm sát, Tòa án, Hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và cả hệ thống Tuyên giáo, báo chí tỉnh Thanh Hoá) phản kích lại, quy kết báo chí Trung ương đã vu khống, thông tin sai sự thật.
Gần một năm sau, khi căng thẳng do ý kiến trái ngược giữa lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá và một số cơ quan báo chí Trung ương lên tới đỉnh điểm, thừa lệnh Ban Bí thư, Ban Tuyên huấn Trung ương đã tổ chức cuộc đối thoại (thực chất là đối chất) giữa Ban Thường vụ tỉnh uỷ Thanh Hoá và các báo Trung ương đã đăng bài về các vụ tiêu cực ở Thanh Hoá.
Cuộc họp do ông Lê Xuân Đồng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì diễn ra trọn ngày 28/7/1987 tại phòng họp lớn của Ban Tuyên huấn Trung ương. Cho đến nay, đó là cuộc đối thoại duy nhất giữa lãnh đạo một tỉnh với hơn chục tờ báo Trung ương do đích thân Ban Tuyên huấn Trung ương thừa lệnh Ban Bí thư triệu tập và chủ trì.
Nhiều đồng chí lãnh đạo các báo và nhiều phóng viên chủ chốt tham dự vụ việc và có mặt tại cuộc đối thoại đó, nay đã là người thiên cổ như các ông Đào Tùng, Tổng Giám đốc TTXVN; Trần Lâm, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Đinh Văn Nam, Tổng biên tập Báo Tiền Phong; Văn Nhàn, Phó Tổng biên tập Báo Lao động và các phóng viên Vũ Tâm tức Thơ Linh Cơ (TTXVN), Trường Phước (Đài truyền hình Việt Nam), Nguyễn Văn Truỷ (Đài Tiếng nói Việt Nam)...
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng biên tập Báo Phụ nữ phát biểu tại cuộc đối thoại đó, nay đã ngoài 90 tuổi, mái tóc bạc phơ. Phía lãnh đạo Thanh Hoá, ông Hà Trọng Hòa - Bí thư Tỉnh uỷ, ông Quách Lê Thanh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ và nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh Thanh Hoá tham gia cuộc đối thoại đó, nay cũng đã không còn nữa. Xe thu thanh và xe ghi hình lưu động của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam được lệnh tới ghi lại toàn bộ cuộc đối chất. Máy ghi âm, mi-crô đặt ở khắp các bàn, cứ như một hội nghị quốc tế. Cuộc đối thoại diễn ra căng thẳng, kịch tính trọn một ngày.
Khẳng định là một Kênh thông tin của Chính phủ
Đúng ngày 14/5/1988, báo Tuần Tin tức kỷ niệm 5 năm ngày xuất bản số đầu tiên (14/5/1983 - 14/5/1988). Dưới sự chủ trì của ông Đào Tùng, lễ kỷ niệm diễn ra trang trọng, giản dị và rất thân tình ngay tại Hội trường TTXVN. Đại diện Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Văn hoá - Thông tin, Hội Nhà báo Việt Nam, đông đảo các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình và đội ngũ cộng tác viên đã tới dự.
Tổng Giám đốc Đào Tùng ngồi ghế chủ toạ, hai bên là hai vị tướng, một phụ trách Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, một phụ trách Tổng cục Chính trị Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tôi được giao báo cáo tóm tắt hoạt động 5 năm của Tuần Tin tức non trẻ.
Ý kiến của các đại biểu, hoàn toàn không phải xã giao, đánh giá rất cao sự dũng cảm, trung thực, khách quan và nhân văn của Tuần Tin tức trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, góp phần dựng xây cuộc sống mới trong những bước đi khởi đầu của công cuộc đổi mới đất nước.
5 năm với gần 300 số báo đã xuất bản, số nào cũng cũng có các vụ việc tiêu cực được phanh phui, những bất công được lên án, những phận người lương thiện yếu thế được bảo vệ, những oan trái được giãi bày, những nhân tố mới được nâng niu. Chính con số rất đáng khâm phục đó, mà bệ đỡ của nó là bản lĩnh của Bộ Biên tập TTXVN và hệ thống phân xã thường trú trong, ngoài nước đã chắp cánh cho Tuần Tin tức chinh phục độc giả.
Với cương vị Tổng Giám đốc TTXVN đồng thời là Tổng biên tập Tuần Tin tức, ông Đào Tùng đã phát biểu đầy tâm huyết và lôi cuốn. Những trang ghi chép ngày ấy giúp tôi nhớ lại đại ý những lời phát biểu của ông. Ông cảm ơn tình cảm yêu mến các đại biểu và độc giả dành cho Tuần Tin tức trẻ tuổi. Ông nhấn mạnh, trung thành với mong muốn từ thủa ban đầu là cố gắng mang đến cho bạn đọc ngày càng nhiều những thông tin chân xác, bổ ích, có chọn lọc ở trong nước và trên thế giới, Tuần Tin tức đã cần mẫn làm hết sức mình dù khả năng còn hạn chế.
Ý thức được sức sống của một tờ báo trước hết là ở chỗ nó đề cập được những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh được nguyện vọng của đông đảo người lao động, từ đó nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của quần chúng, Tuần Tin tức đã cố gắng vươn lên làm tốt nhiệm vụ công cụ thông tin của Đảng và là diễn đàn ngày một rộng rãi của nhân dân.
Ra đời trong thời kỳ đổi mới của đất nước, Tuần Tin tức đã sớm kiên quyết tham gia cuộc đấu tranh chống tiêu cực nhằm góp phần lập lại trật tự và công bằng xã hội. Từ những số đầu tiên vào năm 1983 với những bài báo như "Ngành than trước ngưỡng báo động", "Sự buông lỏng quản lý ở nhà máy cao su Sao Vàng", Tuần Tin tức đã cùng với đồng nghiệp rung những tiếng chuông đầu tiên trên công luận báo hiệu sự đổi mới đang là đòi hỏi cấp bách của báo chí để phản ánh một giai đoạn mới trong đời sống của Đảng, của đất nước.
Từ đó đến nay, ngày một thêm quyết tâm, ngày một thêm kinh nghiệm, Tuần Tin tức đã chiến đấu bền bỉ cho chân lý, bảo vệ sự trong sáng của Đảng, bảo vệ quyền dân chủ của mọi công dân, đưa lên mặt báo hàng loạt vụ việc tiêu cực ở Thanh Hoá, đưa ra trước vành móng ngựa những kẻ dã man, lợi dụng chức quyền hành hạ đến chết em Nguyễn Văn Thanh, những vụ bê bối ở nhà máy nước ngọt Hậu Giang. Hàng trăm vụ việc đã được nêu ra, nhiều vụ lẽ phải đã được sáng tỏ, nhiều vụ đang được xử lý.
Với tinh thần trách nhiệm cao, động cơ đúng đắn và sự công tâm, Tuần Tin tức chủ trương đi tới cùng những vụ việc đã nêu ra công luận, cố gắng phát hiện và biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực, những con người, những địa phương cùng những kinh nghiệm quản lý kinh doanh giỏi, giải quyết đời sống tốt ở mọi miền đất nước, đồng thời nêu lên những vấn đề cấp bách phải giải quyết trong thực tiễn đời sống.
Ngày ấy, nhìn lại 5 năm đã qua để định hướng đúng cho con đường phía trước, Tuần Tin tức ý thức mạnh mẽ về sự thức tỉnh vươn lên, phát huy sức mạnh của công luận, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh chống tiêu cực vì sự nghiệp đổi mới, công khai, dân chủ hóa XHCN và vì những quyền lợi chính đáng của đất nước và con người Việt Nam.
Tại Lễ kỷ niệm, ông Đào Tùng cho biết, ngay từ những ngày đầu Tuần Tin tức xuất hiện, một số phản ứng bùng lên, chĩa thẳng vào những người chủ trương ra các tờ tuần báo của TTXVN. Những ý kiến phản đối viện dẫn nhận thức, thói quen, luật lệ cũ quy định TTXVN chỉ có chức năng cung cấp thông tin cho báo đài, không được trực tiếp ra sản phẩm báo chí phát hành tới công chúng.
Trong mấy tháng liền, TTXVN phải làm tới ba bản báo cáo giải trình: Báo cáo thứ nhất về quan điểm thông tin (bị lên án là khuynh hướng tự do), báo cáo thứ hai về tài chính (vì khuynh hướng thương mại trong thông tin) và báo cáo thứ ba là sự xuất bản không có giấy phép. Liên tiếp một năm rưỡi, TTXVN phải đi “hầu kiện” khá nhiều lần. Điều may mắn là các tờ tuần báo đầu tiên của TTXVN được cán bộ, nhân dân ủng hộ và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao thấy có ích.
Đầu năm 1985 (đúng vào ngày 30 Tết âm lịch), một phiên họp giữa TTXVN và những người có quyền hạn, trách nhiệm do cấp trên triệu tập tại trụ sở TTXVN mới đi đến quyết định cấp giấy phép tạm thời cho ba tờ thông tin này. Tuy vậy, sự phản đối cùng những rắc rối vẫn dai dẳng trong dư luận.
Kết thúc phát biểu của minh, ông Đào Tùng mong muốn sớm được cấp Giấy phép xuất bản chính thức và hy vọng Tuần Tin tức có thể trở thành một tờ báo của Chính phủ. Sau Lễ kỷ niệm đáng nhớ ấy, ông Đào Tùng lâm trọng bệnh qua đời vào ngày 15/9/1990. Đến hôm nay, mong ước cháy bỏng của ông đã trở thành hiện thực khi báo Tin tức được cấp giấy phép xuất bản với tư cách là một Kênh thông tin của Chính phủ.
Như vậy, TTXVN chính là người tiên phong mở ra lối làm báo mới. Sự bùng nổ thông tin đa dạng, đa chiều, xu thế đổi mới nội dung, hình thức và kỹ thuật thông tin, vấn đề nóng bỏng ấy của thời đại… đã đến với nước ta tuy có chậm một chút, mở ra thời kỳ phát triển mới đầy hứa hẹn cho đội ngũ những người làm công tác báo chí, truyền thông.