‘Tôi từng… sốc khi về tiếp quản báo Tin tức và giờ rất đỗi tự hào!’

“Thời kỳ làm ở báo Tin tức vẫn khiến tôi nhớ nhất, có khó khăn nhưng cả tòa soạn vô cùng năng động, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc” - nhà báo Lê Duy Truyền, nguyên Tổng biên tập báo Tin tức, xúc động kể về chặng đường đầy tự hào mà ông từng gắn bó trong lịch sử 40 năm thành lập và phát triển báo Tin tức.

Chú thích ảnh
Nhà báo Lê Duy Truyền, nguyên Tổng biên tập báo Tin tức giai đoạn 2006 - 2013. Năm 2012, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). 

Hành trình gian nan và những bước ngoặt khi “chèo lái”

Nhà báo Lê Duy Truyền là Tổng biên tập báo Tin tức từ cuối năm 2006 đến đầu năm 2013 với thời gian “chèo lái” hơn 6 năm. Đây giai đoạn đầy khó khăn thử thách với báo Tin tức nói riêng và những người làm báo nói chung. Với ông, chính tinh thần của “những con người Tin tức” truyền từ thế hệ đi trước đã giúp cho “dòng tin chính thống” tiếp tục chảy trên mặt báo.

Chú thích ảnh
Tờ Tuần Tin Tức ra đời phản ánh nhiều vấn đề thời sự, quốc tế và trong nước rất nghiêm túc. Bên cạnh việc biểu dương những gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, những nhân tố mới... báo đã có nhiều bài báo gai góc, phê phán đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, gây tiếng vang lớn trong làng báo và trong xã hội lúc bấy giờ. Ảnh: tư liệu

Nguyên Tổng Biên tập báo Tin tức điểm lại lịch sử của báo: Ra đời ngày 14/5/1983 với tên gọi đầu tiên là báo Tuần Tin tức, báo Tin tức được biết đến như một tờ báo đi đầu trong phong trào chống tiêu cực, tham nhũng với nhiều bài báo gai góc, gây tiếng vang lớn trong làng báo và xã hội lúc bấy giờ. Những cây bút giỏi, can đảm, giàu kinh nghiệm như: Phạm Vũ Tâm (bút danh Thơ Linh Cơ), Vũ Duy Thông, Trần Mai Hạnh... với hàng loạt bài phóng sự, điều tra chống tiêu cực đã gây được tiếng vang trong làng báo và dư luận xã hội. 

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Vào những năm 90, Tin tức chiều được rất nhiều người dân biết đến. Tới năm 1999, tờ Tin tức buổi chiều và Tuần Tin tức hợp nhất thành tờ Tin tức. Thương hiệu Tin tức tiếp tục thực hiện tròn vai vị thế của một tờ báo chính trị - xã hội với thông tin chính thống “nhanh, đúng, trúng, hay”.

Năm 1999, tờ Tin tức buổi chiều (thường được gọi là “Tin chiều”) và Tuần Tin tức hợp nhất thành tờ Tin tức. Thương hiệu Tin tức tiếp tục thực hiện tròn vai vị thế của một tờ báo chính trị - xã hội với thông tin chính thống “nhanh, đúng, trúng, hay”.

“Cuối năm 2006, tôi được lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) điều động từ Ban Biên tập tin Kinh tế về làm Tổng Biên tập báo Tin tức. Chỉ 1 tuần sau khi về báo Tin tức, tôi cảm thấy “sốc” vì tình hình tờ báo thời điểm này hết sức khó khăn do tính cạnh tranh thông tin không còn cao như trước. Số phát hành ngày càng giảm, kinh tế báo chí chưa phát triển, trở thành gánh nặng tài chính lớn của TTXVN. Bản thân tôi phải chịu rất nhiều áp lực, sức ép ngay trong tòa soạn, từ nhiệm vụ đặt ra của lãnh đạo TTXVN. Có một số ý kiến cho rằng, phải giảm số phát hành của báo trong tuần xuống còn từ 2 - 3 số/tuần, giảm số trang, thậm chí có thể phải đình bản để ‘cắt lỗ’” - nhà báo Lê Duy Truyền nhớ lại.

Theo nhà báo Lê Duy Truyền, lãnh đạo TTXVN giai đoạn đó nhận thức được vai trò tầm quan trọng của báo Tin tức trong công tác thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, của TTXVN. Vì lẽ đó, lãnh đạo TTXVN đã chỉ đạo Ban Biên tập báo Tin tức tiếp tục nỗ lực, cải tiến đổi mới để vượt qua sóng gió.

Những quyết sách của các cấp lãnh đạo khiến “người Tin tức” sống dậy cả ý chí và quyết tâm. Chi ủy, Ban Biên tập báo, Chi bộ báo Tin tức đã họp rất nhiều cuộc; đồng thời tổ chức Hội nghị công nhân viên chức để tìm hướng tháo gỡ nhanh nhất cho tờ báo. Tòa soạn báo Tin tức bắt tay ngay vào việc xây dựng đề cương, nội dung mới của báo gồm 16 trang với các chuyên trang chuyên mục mới lạ, măng - sét báo cũng được cải tiến để hấp dẫn người đọc.

Tháng 4/2008, dấu mốc mà nguyên Tổng Biên tập báo Tin tức đánh giá là rất quan trọng, đó là: Sau 17 năm phát hành báo Tin tức buổi chiều - dù đã có những năm tháng "hào quang” với những dòng chảy thông tin độc quyền, lãnh đạo TTXVN cho phép báo Tin tức chuyển sang phát hành buổi sáng để công tác phát hành báo được thuận hơn, kéo dài sự sống của tờ báo. 

Nhà báo Lê Duy Truyền trần tình: “Thời thế thay đổi, tin tức của TTXVN, tin tức buổi chiều không còn độc quyền như trước, sức ép cạnh tranh thông tin rất lớn. Nếu phát hành chiều, thời gian sống của báo Tin tức rất ngắn, chỉ khoảng 3 - 4 tiếng, không kịp vận chuyển đến tay người đọc trong ngày. Do vậy, báo Tin tức phải chọn hình thức cạnh tranh sòng phẳng là ra buổi sáng hàng ngày. Tòa soạn chọn khung giờ cắt tin muộn nhất là 23 giờ 30 phút để trực chờ những thông tin nóng hổi nhất, đặc biệt mảng thông tin quốc tế”.

Một tin vui cho báo Tin tức được phục hồi, sống “khỏe” hơn với số lượng phát hành tăng mạnh. Cho tới giữa năm 2010, báo Tin tức được vào danh sách là một trong những tờ báo tham gia cấp phát báo miễn phí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. 

Dù vậy, lãnh đạo báo Tin tức cùng toàn bộ anh em trong tòa soạn khi ấy cũng xác định: Sự hỗ trợ từ các chương trình của Nhà nước chỉ là tạm thời, tạo bàn đạp cho báo Tin tức tiếp tục phát triển. Từ đây, để tự đứng trên đôi chân của mình, các thành viên của báo Tin tức không ngừng tìm tòi, học hỏi, tiếp tục có những cái tiến mạnh mẽ về nội dung và hình thức, ra đời nhiều chuyên trang, chuyên mục - trong đó có chuyên mục “Hồ sơ tư liệu” được nhiều độc giả ưa thích. 

Chú thích ảnh
“Hồ sơ tư liệu” hay còn gọi là Hồ sơ mật bao gồm các bài viết mang tính tư liệu, chuyên sâu hoặc thông tin giải mật về các nhân vật, sự kiện nổi bật đã và đang diễn ra trên thế giới.

“Hồ sơ tư liệu” là tập hợp các bài viết mang tính tư liệu, chuyên sâu hoặc thông tin giải mật về các nhân vật, sự kiện nổi bật đã và đang diễn ra trên thế giới. Trong đó, đề tài hấp dẫn nhất thường là câu chuyện, sự kiện liên quan tới thế giới tình báo, các điệp viên nổi tiếng. Một chủ đề hấp dẫn khác là các sự kiện liên quan chiến dịch quân sự, sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, vụ án nổi tiếng…“Do sức nóng của chuyên mục này, chúng tôi đã tập hợp các bài viết, in ấn thành sách và bán khá chạy. Hiện báo Tin tức vẫn duy trì chuyên mục này”, ông Lê Duy Truyền chia sẻ.

Báo Tin tức cũng hợp tác với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ xây dựng các chuyên trang trên báo Tin tức cuối tuần để phục vụ công tác tuyên truyền của các ban chỉ đạo. Báo Tin tức cuối tuần để phát hành rộng rãi hơn cho 3 vùng chiến lược là: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Mục tiêu của báo Tin tức đặt ra, ít nhất 80% tờ báo Tin tức đến tay người đọc khắp mọi miền đất nước trong cùng ngày phát hành. Nguyên Tổng biên tập báo Tin tức kể: “Chúng tôi đã tổ chức in ấn tại 6 điểm cầu của tỉnh: Điện Biên, Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ để tạo điều kiện cho bên phát hành để vận chuyển báo nhanh nhất, sẵn sàng chấp nhận cả việc chi phí bị đội lên để những dòng tin chính thống ‘nhanh, đúng, trúng, hay’ đến nhanh nhất với độc giả”.

Cung bậc cảm xúc và những pha “thót tim”

Chú thích ảnh
“Thời kỳ làm ở báo Tin tức vẫn khiến tôi nhớ nhất, có khó khăn nhưng cả tòa soạn vô cùng năng động, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc”.

Nhà báo Lê Duy Truyền chia sẻ: “Thời kỳ làm ở báo Tin tức vẫn khiến tôi nhớ nhất, có khó khăn nhưng cả tòa soạn vô cùng năng động, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc”. Với quan niệm, làm ở đâu cũng đều có sức ép, bản thân nhà báo Lê Duy Truyền cũng trải qua nhiều cương vị, làm việc ở nhiều đơn vị thông tin trong và ngoài nước. Tuy nhiên khi được giao nhiệm vụ về báo Tin tức, nhập cuộc với tình trạng “sống còn” của một tờ báo, ông Lê Duy Truyền mới cảm nhận rõ sức ép vô cùng lớn, khiến ông luôn trăn trở để vực tờ báo khá hơn và theo như ông kể, có lúc nghĩ nhiều đêm về mơ “ác mộng”…

“Có lần tôi nằm mơ, file PDF chuẩn bị gửi nhà in rồi, mà vẫn chưa có giấy. Anh em tòa soạn phải chặt gỗ, tre nứa, sau đó nghiền thành bột để sản xuất giấy, kịp thời mang bản PDF đi in. Hàng ngày cứ thấp thỏm đến tầm 9 giờ sáng, nếu không ai gọi điện nhắc nhở thì mới cảm thấy yên tâm về số báo vừa phát hành”, nguyên lãnh đạo báo Tin tức tủm tỉm cười chia sẻ.

Nghề làm báo đòi hỏi số 1 là phải cẩn thận, cầu toàn nhưng có những sai sót câu, từ dù đã được rà rất kỹ qua nhiều khâu. Có lúc, nguyên lãnh đạo báo Tin tức phải thót tim, đôi lần lặng người khi chứng kiến lỗi sai. 

“Hôm đầu tiên phát hành báo Tin tức cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với số lượng lớn và in tại 6 điểm cầu nên tòa soạn phải cắt tin sớm để đi kiểm tra công tác in ấn tại các nhà in. Chúng tôi xuống nhà in của Công ty TNHH In và Thương mại TTXVN tại Mỹ Đình (Hà Nội). Báo đang được in liên tục, tiếng máy chạy sôi động thì đến tờ thứ 15.000, một đồng chí trong tòa soạn phát hiện ra lỗi tên của lãnh đạo đất nước ngay tại trang nhất tờ báo ghi là: Chủ… nước Nguyễn Minh Triết (thiếu chữ tịch). Thiếu chữ "tịch" trong chú thích ảnh ngay đầu trang nhất, dù anh em đọc dò và bản thân tôi đã nhiều lần rà soát.

Tôi lặng người 30 giây sau đó ra lệnh ngừng in ngay lập tức tại các điểm cầu. Toàn bộ ekip làm ca tối của báo Tin tức phải từ nhà quay trở lại tòa soạn để xử lý lại bản trang nhất” - gương mặt lãnh đạo kỳ cựu trong làng báo bừng lên khi nhớ lại một giai đoạn trong đời làm báo.

Bắt nhịp ngay và chuyển mình mạnh mẽ với thời đại 4.0

Chú thích ảnh
Chuyển hướng sang báo điện tử là một xu hướng không thể tránh khỏi trong kỷ nguyên mạng. Nhưng trong dòng chảy thông tin cuồn cuộn và đầy rẫy những thứ tin “rác”, những “fake news” trên các trang web “lá cải”, “lá ngón”, đặc biệt trên các trang mạng xã hội, baotintuc.vn đã xác định một hướng đi riêng, cung cấp thông tin nóng hổi, chính xác; những phân tích sâu, nhiều chiều, khách quan; thông tin phản hồi, phản biện sắc sảo chuẩn mực; thông tin định hướng dư luận và cải chính sai lệch. 

Do ý thức được sự phát triển của công nghệ và những trào lưu báo chí mới, từ tháng 12/2010, tòa soạn đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật TTXVN ra mắt trang web baotintuc.vn.

Năm 2017, đánh dấu bước “đột phá” trong lịch sử phát triển của báo Tin tức. Theo đó, ngày 16/1/2017, báo Tin tức điện tử chính thức ra mắt trên cơ sở trang web với tên miền www.baotintuc.vn, chính thức cạnh tranh thông tin với hàng trăm tờ báo mạng tại Việt Nam. Đây có thể coi là đột phá đầu tiên của báo trong tiến trình tái cơ cấu sản phẩm thông tin. 

Chú thích ảnh
Sản phẩm thông tin truyền hình phát trên nền tảng Internet của báo điện tử Tin tức.
Chú thích ảnh
Nhà báo Lê Duy Truyền vẫn duy trì thói quen hằng ngày đọc báo mạng, trong đó có trang baotintuc.vn.

Với việc kiên trì xây dựng thương hiệu bằng chính chất lượng thông tin, đến nay, baotintuc.vn đã trở thành cái tên được nhận diện rộng rãi trong làng báo và bạn đọc, trở thành trang điện tử có lượt truy cập cao.

Chú thích ảnh
Buổi ghi hình cho Tin tức TV của báo điện tử Tin tức.

“Tôi thấy rất mừng, thế hệ của báo Tin tức hiện nắm bắt khá nhanh trong bối cảnh công nghệ số 4.0; liên tục cải tiến baotintuc.vn. Có nhiều chuyên trang, chuyên mục, nhiều loại hình thông tin như: Tin tức TV, Infographics, Megastory, ảnh, video clip” - nguyên Tổng Biên tập báo Tin tức Lê Duy Truyền bày tỏ kỳ vọng.

Có câu vui nói về báo Tin tức, đây là nơi “quân tứ xứ gọi về” để thấy được những thế hệ báo Tin tức đều là những con người giàu kinh nghiệm và cũng đóng góp sức vóc cho báo. Nhưng câu nói vui cũng khẳng định được sự thành công của báo Tin tức trong việc trọng dụng nhân tài, đặc biệt củng cố, duy trì được khối đoàn kết của rất nhiều cái tên có nghề, có tài, có cá tính để cùng trở thành một tập thể phát triển. 

Chú thích ảnh
"Tôi rất mừng. Sau khi trải qua bao nhọc nhằn, đến nay báo Tin tức không những tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ”.

“Chúng ta đã tuyển được, tập hợp nhiều nhân sự từ các nơi, đặc biệt có nguồn phóng viên, biên tập viên từ Ban Biên tập Kinh tế, cơ quan thường trú trong và ngoài nước, từ đợt tuyển từ TTXVN, bổ sung phòng một số đồng chí từ đại diện báo Tin tức từ phía Nam ra. Đây là yếu tố quan trọng để báo vượt qua khó khăn. Tôi rất mừng trong những năm tháng, trải qua bao nhọc nhằn, đến nay báo Tin tức không những tồn tại mà phát triển mạnh mẽ”, nhà báo Lê Duy Truyền tự hào nói.

Chú thích ảnh
Trong Chương trình 'Đồng hành cùng vùng khó' tại huyện miền núi Thanh Hóa, Tổng Biên tập Báo Tin tức Ninh Hồng Nga đã tặng quà cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. 

Không chỉ thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền theo định hướng là Kênh thông tin của Chính phủ, Báo Tin tức đã triển khai thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại các vùng miền núi đặc biệt khó khăn.

Suốt chục năm qua, công tác xã hội luôn được báo Tin tức duy trì thông qua Chương trình “Đồng hành cùng vùng khó” với tinh thần sẻ chia, giúp đỡ đồng bào vùng khó khăn. Đây là một trong nhiều hoạt động từ thiện thiết thực hướng đến những vùng miền khó khăn trên cả nước của báo Tin tức, TTXVN cũng như của đơn vị tài trợ. Những món quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng tình người ấm áp, vơi bớt khó khăn cho người dân nơi đây. 

Kết nối sức mạnh hiện tại và sức sống từ quá khứ; kết nối những quyết tâm và nỗ lực, ý chí; kết nối tấm lòng với tấm lòng, có lẽ chính vì lẽ đó, từng ngày, báo Tin tức lại càng được yêu mến và có chỗ đứng vững chắc hơn trong làng báo của cả nước. 

Nhà báo Lê Duy Truyền, nguyên Tổng biên tập báo Tin tức, chia sẻ về chặng đường đầy tự hào mà ông từng gắn bó trong lịch sử 40 năm thành lập và phát triển báo Tin tức (TTXVN):

 

Bài, chùm ảnh, clip: Minh Phương – Lê Sơn/Báo Tin tức
Chuyện về clip view 'khủng' đầu tiên của báo Tin tức
Chuyện về clip view 'khủng' đầu tiên của báo Tin tức

Vào năm 2012, cái thời chúng tôi lơ ngơ, tập tành chuyển từ làm báo giấy sang làm trang thông tin điện tử (nay là báo điện tử Tin tức - baotintuc.vn), việc làm được một clip “hút” tới trên 100.000 view sau một ngày đêm ra mắt thì quả thật là thành tựu quá đỗi bất ngờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN