Mặc dù tới tận năm 2007, tôi mới chính thức về làm việc cho báo Tin tức với tư cách Phó Tổng biên tập, nhưng tôi đã có may mắn được chứng kiến sự ra đời của báo Tin tức Buổi chiều vào năm 1991 và trở thành một trong những cộng tác viên tích cực của báo trong các vấn đề quốc tế.
Năm đó, Ban lãnh đạo TTXVN quyết định ra báo Tin tức Buổi chiều, một tờ báo hàng ngày, phát hành vào buổi chiều để bổ sung cho báo Tuần Tin tức, chỉ ra mắt một tuần một lần. Một tờ báo ngày, phát hành vào buổi chiều dự kiến sẽ cập nhật được những tin tức trong nước diễn ra buổi sáng và những tin tức nước ngoài, đặc biệt là tin tức từ châu Âu diễn ra chiều và tối hôm trước, mà do chênh lệch múi giờ, các báo phát hành buổi sáng không kịp đưa tin, do phải đưa maket tới nhà in cho kịp giờ.
Ý tưởng của Ban lãnh đạo TTXVN đã chứng tỏ rất đúng đắn, khi trên thế giới diễn ra những sự kiện chưa từng có, đó là những chính biến ở Liên Xô tháng 8/1991 dẫn tới việc Liên Xô tan rã và vụ khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001, làm thế giới thay đổi hoàn toàn, khi đó báo Tin tức Buổi chiều đã chủ động được những thông tin mới nhất.
Toàn bộ quá trình vụ chính biến diễn ra trong ba ngày từ 19 tới 21/8/1991 và những sự kiện quan trọng khác cho tới khi Liên Xô chính thức bị sụp đổ tháng 12/1991, đã được báo Tin tức Buổi chiều theo sát, dựa vào các nguồn tin mới nhất của Ban Biên tập tin thế giới TTXVN và những tin tức nóng hổi do phóng viên TTXVN thường trú tại Moskva gửi về, đã thu hút sự chú ý của dư luận và là lợi thế cạnh tranh mà không tờ báo phát hành buổi sáng nào có được.
Những người làm báo ở TTXVN, đặc biệt là ở báo Tin tức Buổi chiều vào thời gian đó chắc chắn không thể nào quên không khí sôi động ở tòa soạn, đặc biệt là ở phòng phát hành, khi người dân tới xếp hàng chờ để mua, khi báo được phát hành. Ở tất cả các điểm phát hành báo ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người dân cũng xúm đông lại để mua, số lượng phát hành tăng liên tục mà không đủ bán, ai đến muộn là phải chưng hửng ra về.
Sự việc lại diễn ra tương tự vào tháng 9/2001, khi nước Mỹ lần đầu tiên bị tấn công khủng bố. Những tên không tặc đã cướp máy bay chở khách, lao vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới, biểu tượng của New York và làm hư hại một phần Lầu Năm góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ.
Một lần nữa, độc giả lại đổ xô tới các quầy báo, mong được đọc những tin tức mới nhất mà chỉ báo Tin tức Buổi chiều có được.
Đối với cá nhân tôi và nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa, sự ra đời báo Tin tức Buổi chiều năm 1991 là một sân chơi mới, cho phép chúng tôi tha hồ thử sức trên những lĩnh vực mới, đó là viết bài về các vấn đề quốc tế. Trước đó, chúng tôi chủ yếu làm tin về các vấn đề quốc tế để đăng trên các bản tin của TTXVN. Báo Tuần Tin tức chỉ ra mỗi tuần một số, nên rất ít đất cho chúng tôi dụng võ. Nhiều người cho rằng, chúng tôi đã trưởng thành và bút pháp chắc tay vì đã có thời gian dài rèn luyện, viết cho báo Tin tức Buổi chiều. Khi đi công tác thường trú ở nước ngoài, cụ thể là ở CHLB Đức, tôi vẫn thường xuyên viết bài cho báo Tin tức Buổi chiều và Tuần Tin tức, sau này là báo Tin tức.
Năm 1999, Ban lãnh đạo TTXVN đã quyết định sát nhập Tuần Tin tức và Tin tức Buổi chiều thành một tòa soạn, có báo ra hàng ngày và báo ra hàng tuần. Nhưng tới năm 2008, do khó khăn trong vấn đề phát hành vì báo Tin tức ra buổi chiều không thể đưa tới các địa phương, mà chỉ có thể phát hành được ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, nên Ban biên tập báo Tin tức đã đề nghị Ban lãnh đạo TTXVN cho phát hành báo Tin tức hằng ngày vào buổi sáng, cạnh tranh bình đẳng với các báo khác.
Kể từ đó, báo Tin tức hằng ngày đã không còn phát hành vào buổi chiều nữa, nhưng dư âm của báo Tin tức Buổi chiều vang bóng một thời còn đọng mãi. Đến năm 2017, báo điện tử Tin tức chính thức được cấp phép để có thể cập nhật thông tin liên tục, hòa vào xu hướng chung của Việt Nam và thế giới.