Năm 2017, vào dịp kỷ niệm thành lập TTXVN 15/9, báo Tin tức điện tử ra mắt một "món ăn" mới: chuyên mục Góc nhìn chuyên bình luận các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế. Thực ra, chuyên mục bình luận đã có trên báo giấy Tin tức từ lâu nhưng sau dần thoái trào và càng ít người viết.
Lần "tái ngộ" bạn đọc này, Ban biên tập đã huy động một nhóm cây viết được đánh giá cao trong tòa soạn, và điều bất ngờ là trong nhóm có ba cây bút, đúng hơn là ba biên tập viên cũng là lãnh đạo của phóng Quốc tế, trong đó có tôi.
Ban đầu, ba chị em nhìn nhau khá... ngơ ngác! Bình luận là một thể loại mà chúng tôi chưa từng thử sức, hơn nữa lại là bình luận về các vấn đề trong nước, trong khi công việc hơn 20 năm nay tôi quen làm là mảng thông tin quốc tế.
Chắc hiểu được cái khó đó, ban đầu Ban biên tập cũng "nương tay", giao cho 3 người chúng tôi phụ trách một phiên viết Góc nhìn, chứ không phải mỗi người một phiên. Vì thế thời gian đầu, chúng tôi cũng không đến mức căng thẳng, cứ tuần tự từng người viết thì có đến hơn 2 tháng mới đến lượt.
Những bài Góc nhìn đầu tay, tôi vẫn lấy đề tài là các vấn đề quốc tế: Cuộc gặp thượng đỉnh Helsinki 2018 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin mang tính chất kích hoạt cho quá trình hai nước tìm cách khai thông những đối đầu mang tính hệ thống; hay lời xin lỗi sau cả thập kỷ của ban lãnh đạo Samsung trong vụ bê bối an toàn lao động liên quan đến các cựu công nhân mắc bệnh ung thư.
Các thông tin, sự kiện quốc tế có thể soi rọi vào vấn đề đang được quan tâm trong nước cũng được tôi khai thác, từ chuyện ngành công nghiệp thịt chó Hàn Quốc đang dần tàn lụi liên hệ đến tranh cãi cấm bán thịt chó ở Việt Nam; từ vụ bê bối đường dây "chạy trường" ở Mỹ liên quan đến các trường đại học danh tiếng, ngôi sao Hollywood, nhìn về vụ án "chạy điểm" gây rúng động mùa hè 2018 ở nước ta, khi có bài thi 0 điểm được "hô biến" lên 9,5 điểm! Những dẫn chứng từ cả quốc tế và trong nước đã giúp cho vấn đề mà tôi đưa ra bình luận trở nên thuyết phục hơn và có thêm sức hấp dẫn nhất định. Đọc những bài bình luận đó, độc giả cũng có thể ít nhiều nhận ra đó là giọng của một cây bút quen thuộc với vấn đề quốc tế.
Nhưng sau buổi ban đầu đó, có lẽ Ban biên tập đã dần tin cậy hơn vào khả năng viết của mấy cây bút "tay ngang" phòng Quốc tế, nên đã phân công lịch viết dày hơn. Mỗi chúng tôi giờ đây đảm nhiệm một phiên viết Góc nhìn, giống như các cây bút bình luận trong nước khác. Và đó là một nhiệm vụ mà tôi cảm thấy khá nặng nề. "Góc nhìn" lúc này đã trở thành một chuyên mục ghi dấu ấn đậm nét, là tiếng nói bày tỏ quan điểm mạnh mẽ trước các vấn đề, sự kiện trong nước. Vì thế tôi quyết định lấn sân hẳn vào bình luận vấn đề trong nước. Đó là một thách thức thực sự với một biên tập viên hơn 20 năm chỉ theo dõi thời sự quốc tế.
Mỗi khi đến phiên viết Góc nhìn, thì đề tài để bình luận thường là thứ khiến tôi loay hoay nhất. Cứ ba ngày là chuyên mục phải có bài mới, vì thế các vấn đề nổi cộm trong nước cũng luôn được nhóm bình luận khai thác triệt để. Để phát hiện ra đề tài mới, tôi phải tìm hiểu, đọc nhiều hơn về các vấn đề trong nước. Có lẽ dễ nhất là những vấn đề mang tính thời sự, đang nổi cộm trong dư luận, và khó nhất là những khi viết phản biện về chính trị xã hội, bảo vệ lập trường, tư tưởng của Đảng, Nhà nước ta, hay bình về các vấn đề chính sách.
Bình luận vốn đã là thể loại khó bậc nhất trong báo chí, với những kẻ "tay ngang" như tôi, chạm đến bình luận còn khó khăn hơn nhiều. Nghĩ được đề tài đã khó, rồi tìm ra được cái "tứ" để bình cũng khó không kém. Phiên viết Góc nhìn nào "may mắn" nhất là đang có một vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội, tôi chỉ cần tìm hiểu, đào sâu hơn để rút ra được bản chất của những vấn đề thời sự đó mà bình. Nhưng không phải lúc nào cũng "gặp may" như vậy. Có lần đến lượt viết mà tôi vẫn "bí" đề tài, lại bận những công việc chuyên môn khác của phòng, nên bị Tổng biên tập "điểm danh" trong nhóm cây bút. Tôi đành thú thật khó khăn của mình, nhờ "sếp" gợi ý đề tài và vị nữ Tổng biên tập luôn trợ giúp hiệu quả ngay.
Nhóm lãnh đạo phòng tôi vẫn thường nói vui mà cũng rất thật lòng với nhau: bây giờ khoảnh khắc sung sướng nhất của chúng tôi không phải là được ăn ngon, mặc đẹp hay có tiền, mà là khoảnh khắc... ấn nút "send" - "gửi" bài Góc nhìn cho sếp duyệt! "Toạch" - Send! - chỉ cần ấn nút, là lòng đã thấy hân hoan như mình vừa làm được một việc gì lớn lao lắm!
Những vấn đề bình luận, đặc biệt là về chính trị, chính sách, thường khô khan, nên bên cạnh việc tìm hiểu và thể hiện tác phẩm một cách chỉn chu, đúng quan điểm, đường lối, tôi cũng phải học cách "làm mềm hóa" bằng cách vận dụng thêm những lời dạy của các bậc danh nhân, lãnh tụ, hay những câu thành ngữ, tục ngữ, thậm chí cả những cụm từ rất "đời" mà công chúng sử dụng, để lời bình thêm sâu sắc mà vẫn mang sắc màu cuộc sống, không bị khô cứng. Chẳng hạn, viết về chống tham nhũng, tiêu cực, tôi không ngại dùng những cụm từ "lóng" như "đốt củi", "lò lửa" ngay trên tít để tăng tính hấp dẫn.
Bài "Góc nhìn" mà sau khi viết tôi cảm thấy lòng lâng lâng "tự hào" nhất là "Việt Nam - sự lựa chọn hoàn hảo" - bình về việc Hà Nội/Việt Nam được lựa chọn là nơi đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, một sự kiện quốc tế có tầm quan trọng đặc biệt, được báo chí và dư luận quốc tế sôi sục quan tâm. "Việt Nam sẽ là nơi cả hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên gặp gỡ, nghe vừa thật "ngỡ ngàng", vừa thật tự hào. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã được lựa chọn"... Cũng rất thú vị là sau bài viết, chính tôi đã được phân công tham gia tác nghiệp tại Trung tâm báo chí Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, một biên tập viên chuyên ngồi trước máy tính, nay xông xáo cầm máy ảnh, máy quay tác nghiệp hiện trường tại một sự kiện quốc tế quan trọng bậc nhất thời điểm đó. Một trải nghiệm mà tôi không thể quên.
Viết "Góc nhìn" với kẻ tay ngang như tôi lắm khi chật vật là thế, nhưng nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi phải thầm cảm ơn chuyên mục bình luận này. Nhiều năm làm thời sự quốc tế, tôi bị cuốn vào vòng xoáy thông tin quá nhanh, quá nhiều, đều từ các hãng tin, đài nước ngoài. Làm thời sự cho báo điện tử lại càng ưu tiên tốc độ, ưu tiên yếu tố hút "view", điều đó khiến cho tư duy làm báo của tôi cũng bị "xô" theo số lượng, mà chưa có được chiều sâu. Chưa kể do làm mảng quốc tế, nên các vấn đề trong nước, tôi cũng theo dõi khá hời hợt.
Nhờ được giao viết Góc nhìn, tôi tự nhận thấy mình trưởng thành hơn cả về tư duy lẫn ngòi bút. Mỗi một sự việc xảy ra trong đời sống xã hội, giờ đây tôi không chỉ lướt cái tít và sapo trên Newsfeed hoặc trang web nữa, mà đã biết chọn lọc thông tin, tìm hiểu, đào sâu, chắt lọc hơn, để có thể nói lên tiếng nói đại diện cho công chúng, cho Đảng và nhà nước ta, bằng cách thể hiện riêng của bản thân. Là một cây bình luận "tay ngang" non nớt, tôi cũng tự ý thức mình phải học hỏi từ các đồng nghiệp trong tòa soạn, học hỏi từ các cây viết báo bạn, và cứ mạnh dạn thử sức, mạnh dạn thể hiện, để trở nên vững vàng hơn.
Trên con đường đó, những giải thưởng đầu tay tại giải Báo chí Thông tấn xã Việt Nam, tại giải Búa liềm Vàng (giải thưởng báo chí chính luận được xem là danh giá nhất) ở thể loại Bình luận đã cho tôi nguồn động lực to lớn, cổ vũ tôi tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, trau dồi ngòi bút để đóng góp vào chặng đường 40 năm và nhiều dấu +++ nữa của Báo Tin tức thân thương.