Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) năm 2006 với tấm bằng loại giỏi, tôi tự tin đi ứng tuyển vào các công ty. Thi đâu đỗ đó. Tôi chọn vào làm cho một công ty truyền thông cũng có tiếng tăm ở Hà Nội. Sau gần một năm chứng kiến con gái làm việc tại đây với những lần đi sớm về muộn, giờ giấc thất thường, mẹ tôi, vốn là người lo xa, cảm thấy không ổn.
Đúng dịp đó, mẹ tôi biết TTXVN tổ chức đợt thi tuyển phóng viên, biên tập viên và đã đề nghị tôi đăng ký thi, bảo là muốn tôi ổn định ở một chỗ “nhà nước”, như tâm lý của bao vị phụ huynh khác.
Tôi bị lung lay khi nghe mẹ thuyết phục và dấn thân vào một kỳ thi nữa mà tôi thấy cũng căng thẳng, nghiêm túc không kém thi đại học.
Tôi đã đỗ. Ngày được thông báo tôi sẽ vào làm việc ở báo Tin tức, tôi cảm thấy hoang mang. Từ thời còn là sinh viên khoa tiếng Anh, tôi chỉ biết tới TTXVN qua mỗi tờ Vietnam News và cứ hình dung rằng vào làm việc tại TTXVN là vào Vietnam News.
Thấy tôi lo lắng, một người quen của mẹ tôi ở TTXVN bảo tôi rằng, “cứ vào đó đã rồi tính”. Thế là tôi bước chân vào Tin tức. Từ ngày “cứ vào đó đã”, tới nay đã thấm thoắt 15 năm…
Trưởng thành từ những lần… “tự ái”
Tôi bắt đầu vào làm việc tại phòng Quốc tế từ tháng 12/2008, thời mà cô Nguyễn Thị Hòa là trưởng phòng.
Tôi vẫn còn nhớ như in mẩu tin đầu tiên mà tôi được giao làm. Đó là tin về việc cô Hoa hậu Pháp Valérie Bègue mới đăng quang đã có nguy cơ bị tước vương miện vì lộ ảnh chụp dung tục. Tôi cầm trên tay tờ giấy A4 in mấy trăm chữ tiếng Anh với yêu cầu ngắn gọn “làm tin này nhé”.
Với tôi, dịch mẩu tin này chỉ là chuyện nhỏ so với vô số bài báo chuyên ngành mà tôi đã dịch khi còn là sinh viên. Tôi nhanh chóng làm, in rồi nộp cho trưởng phòng duyệt một cách rất tự tin.
Trong tâm thế đó, tôi thấy sốc khi nhìn sản phẩm của mình bị gạch chân bằng bút bi đỏ ở nhiều chỗ và bị cô Hòa yêu cầu làm lại. Cô giải thích rằng tin tôi làm không đạt vì đã không đưa thông tin mới nhất (nguy cơ bị tước vương miện) lên trên đầu mà lại nói về sự kiện cũai cũng biết (đăng quang hoa hậu). Cô nói: “Tin là phải mới”.
Tôi về chỗ, mang theo “cục” tự ái to đùng vì đã quen được “khen”. Tôi ngồi sửa lại tin. Hóa ra kiểu “sáng tạo” của tôi khi sắp xếp lại các sự kiện trong tin theo trình tự từ cũ đến mới, cho dễ hiểu, lại là sai cơ bản về cách làm tin. Cái tin đầu tiên trong suốt 15 năm làm biên tập viên tiếng Anh cũng chính là bài học đầu tiên về tin tức mà tôi được học. Có thể nói lần “tự ái” đầu tiên đó là lần tôi đã học bài học vỡ lòng về làm tin báo chí.
Lần “tự ái” thứ hai lại không liên quan trực tiếp tới tôi. Khi ấy, anh Lê Vũ Hội (lúc đó là Phó trưởng phòng Quốc tế) giao tin cho Huyền Trang, một biên tập viên kém tôi hai tuổi, thi tuyển cùng đợt với tôi, nay đã chuyển khỏi TTXVN. Không rõ Trang làm tin thế nào, chỉ biết lúc biên tập, anh Vũ Hội đã gọi bạn này ra để hỏi:
- Alan Greenspan là ai?
- Em không biết.
- Không biết thì phải tra trên mạng chứ.
- Em không tra được vì mất internet.
- Mất internet thì phải hỏi mọi người chứ.
- Em hỏi rồi, nhưng không ai biết.
- Em hỏi ai?
- Em hỏi chị Dương.
Lúc đó, tôi ngồi ở chỗ của mình cách đó vài mét, nghe thấy anh Vũ Hội lầm bầm: “Xời, hỏi Dương thì…”.
Cơn “tự ái” nổi lên trong tôi khi tôi phân tích câu “lầm bầm” đó chính là có ý “xem thường” mình. Ngẫm lại phản ứng của anh Vũ Hội, tôi thấy cũng đúng, vì tuổi nghề của tôi và cô bé biên tập viên đó chỉ mới tính bằng tháng, kiến thức nền còn yếu.
Lần “tự ái” gián tiếp này đã thôi thúc tôi tự học hỏi, tự tìm hiểu thông tin, tích lũy kiến thức nền cho mình. Sau này, tôi rất tự hào khi được chính anh Vũ Hội khen khi viết bài liên quan diễn biến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Lần “tự ái” thứ ba tôi cũng nhớ như in. Hồi đó, anh Nguyễn Hà Ngọc là người phụ trách chuyên mục Hồ sơ tư liệu của báo Tin tức. Đều đặn mỗi tuần sáu lần, anh phải viết một bài cho chuyên mục đó. Có lần, chắc vì muốn nghỉ viết một hôm hoặc muốn tôi thử sức với thể loại này nên anh đã giao cho tôi một bài về lý do tại sao trùm phát xít Adolf Hitler lại chỉ có một tinh hoàn.
Tôi dịch bài viết rất nhanh chóng và nộp cho anh Hà Ngọc, chờ sản phẩm của mình trên mặt báo ngày hôm sau. Có điều, khi tôi đọc bài ký tên mình, tôi hoàn toàn không thấy bóng dáng câu chữ nào mà mình đã từng dịch. Dường như không hài lòng với sản phẩm của tôi, anh Hà Ngọc đã cất công làm lại hoàn toàn. Tất nhiên là tôi lại “tự ái”.
Tôi đã so sánh bài của mình và bài của bậc tiền bối, nhận thấy sản phẩm của mình đơn thuần là bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, khô cứng, không có hồn; trong khi sản phẩm của tiền bối lại rất sinh động, là một câu chuyện liền mạch, thậm chí còn có cả vài dòng thơ rất có vần điệu “Hitler chỉ có một hòn”.
Từ lần đó, tôi đã hiểu cần phải làm gì để có một tác phẩm báo chí đúng nghĩa, chứ không phải là một bản chuyển ngữ khô cứng.
Khi anh Hà Ngọc đi làm phóng viên thường trú ở Hong Kong, tôi đã viết nhiều bài đóng góp bài cho chuyên mục Hồ sơ tư liệu. Tôi cảm thấy mình được động viên khi chú Lê Duy Truyền, Tổng biên tập lúc đó, vừa đọc bài của tôi về siêu lừa Frank W. Abagnale vừa nói: “Cái Dương có năng khiếu viết hồ sơ tư liệu!”.
Những thử thách lớn
Sau này, tôi không còn cảm giác tự ái như cái năm đầu tiên vào báo Tin tức nữa. Nhưng không có cảm giác tự ái đó không có nghĩa là tôi mất động lực để học hỏi, trưởng thành. Thay vào đó, báo Tin tứcđã giúp tôi trưởng thành bằng cách tạo ra những nhiệm vụ mới, thử thách mới để tôi cố gắng vượt qua giới hạn của chính mình.
Viết bài cho chuyên mục Góc nhìn là một trong số đó.Tới cuối năm 2017, sau gần chục năm làm biên tập viên ở báo Tin tức, tôi đã viết đủ các thể loại tin bài quốc tế, nhưng mới chỉ có một lần được giao viết bài cho chuyên mục Góc nhìn. Tôi còn nhớ đó là bài bình luận liên quan vụ Edward Snowden tiết lộ bí mật của chính phủ Mỹ năm 2013.
Bẵng đi 4 năm sau, tháng 12/2017, tôi mới có lần thứ hai thử sức với thể loại này. Anh Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng Quốc tế lúc đó, chuẩn bị nhận công tác tại nước ngoài. Quá bận rộn với công việc chuẩn bị, anh không có thời gian viết bài cho chuyên mục Góc nhìn nữa và “nhờ” tôi viết hộ khi tới lượt. Sau khi được Tổng biên tập Ninh Hồng Nga đồng ý, tôi đã viết bài bình luận đầu tiên sau 4 năm. Một bài viết về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Sau hơn 2 năm với 10 bài cho chuyên mục Góc nhìn, tôi bắt đầu cạn ý tưởng. Cứ sau khoảng 2 tháng, khi tới lượt mình viết bài, tôi lại thấy “bí” đề tài, loay hoay tìm các vấn đề quốc tế nhưng đều không ổn vì không thiết thực, không gắn với các sự kiện mà độc giảở Việt Nam quan tâm.
Đồng chí Tổng biên tập đã gợi ý cho tôi một hướng mới để thử sức: viết bình luận về các vấn đề trong nước, mà cụ thể là về đại dịch COVID-19 đang nóng. Một điều mà tôi chưa từng tưởng tượng và chưa từng nghĩ mình sẽ làm được.
Tôi loay hoay đọc, loay hoay viết và cuối cùng cũng cho ra sản phẩm đầu tiên là một bài bình luận về vấn đề trong nước. Với các đồng nghiệp là phóng viên am hiểu các vấn đề trong nước, viết bài bình luận khó một, thì với tôi, một biên tập viên tin quốc tế, viết bài bình luận khó gấp mười lần.
Trước mỗi lần viết bài, tôi phải đọc rất nhiều thông tin, tìm hiểu rất nhiều bài viết để có đủ tư liệu cho vấn đề mà mình vốn chỉ tiếp cận với tư cách độc giả. Từ các chủ đề văn hóa, xã hội cho tới những chủ đề khó hơn như kinh tế ở Việt Nam, tôi đều từng thử sức. Nhờ sự dẫn dắt, góp ý của đồng nghiệp, của đồng chí Tổng biên tập, mỗi một bài viết là một lần tôi vượt qua giới hạn của chính mình. Những giải thưởng báo chí mà tôi nhận được nhờ viết bài bình luận là nguồn động viên, khuyến khích vô cùng lớn.
Một thể loại báo chí khác ở Tin tức mà tôi cũng đã phải vượt qua thách thức để làm là phóng sự truyền hình.So với viết bài bình luận, với tôi, cái thuận lợi khi làm phóng sự truyền hình là nội dung liên quan vấn đề quốc tế quen thuộc. Song cái khó lại là tư duy hình ảnh - điều mà tôi chưa từng được đào tạo.
Dưới sự dẫn dắt tận tâm của anh Trần Thanh Tuấn, lúc đó là Trưởng phòng Quốc tế, tôi đã hoàn thành sản phẩm phóng sự truyền hình đầu tiên mà tôi vừa viết kịch bản, vừa làm MC. Những lời khích lệ, động viên về sản phẩm đầu tiên là tiền đề để tôi tiếp tục cố gắng sáng tạo cho những sản phẩm tiếp theo.
Có thể khẳng định rằng sau mỗi lần vượt qua cả thử thách về kiến thức lẫn tâm lý “ngại”, sức ì, tôi cảm thấy mình chín chắn hơn trong nghề, biết ơn vì đã được “đẩy” vào những thử thách mới. Với tôi, 15 năm qua và trong những khoảng thời gian sắp tới, báo Tin tức đã và sẽ luôn là môi trường lành mạnh để tôi trưởng thành và gắn bó với nghề.