Trước khi tờ Tuần Tin tức ra số đầu tiên vào tháng 5/1983, một số anh chị em trong cơ quan đã được huy động làm thử y như thật quy trình ra báo. Từ chọn đặt bài, biên tập, đánh máy lại bài, đếm chữ, lên trang... Chỉ còn khâu cuối là đưa đi nhà in là chưa thử. Thực chất ban đầu chưa hình thành một tòa soạn chính thức mà chỉ giống như một phòng trị sự, xử lý những công việc cấp thiết hàng ngày cho chu trình ra báo.
Thời gian đầu, các Ban thế giới, Ban trong nước chịu trách nhiệm về bài vở. Tôi hồi đó vẫn làm ở phòng Á-Phi-La của Ban biên tập tin Thế giới. Anh Nguyễn Đức Giáp, lúc đó là Phó ban Thế giới, phụ trách về mảng bài vở phần quốc tế cho báo Tuần Tin Tức. Tôi được giao làm mục Thế giới tuần qua rồi đưa lên cho chú Nguyễn Công Đắc duyệt. Phần này cũng đơn giản và chỉ dài chừng 1 trang rưỡi đánh máy (trang khổ A4) và một tuần có một bài như vậy thôi. Áp lực công việc của tòa soạn hồi đó cũng không lớn lắm nhưng điều kiện làm việc thì thua xa sau này. Cả tòa soạn chỉ có vài máy đánh chữ kiểu cũ, cái tốt nhất thì dành cho bạn Đào Lan. Sau khi bài đánh máy xong, họa sĩ lên trang, các lãnh đạo duyệt lại lần cuối rồi mới đưa đi nhà in. Việc đưa đi nhà in cũng đều là thủ công cả, nghĩa là họa sĩ cầm bản mi đi sang giao cho nhà in.
Đến đầu năm 1985, tôi chuyển hẳn sang làm bên Tuần Tin tức thì tòa soạn lúc đó mới bắt đầu hoàn chỉnh. Tôi còn nhớ hồi đó chú Đặng Kiên, lúc đó là phó ban Đối ngoại được Ban lãnh đạo cơ quan giao cho làm đề cương về tổ chức bộ máy tòa soạn. Hình như còn có vài người nữa cũng được giao nhiệm vụ này và rồi cuối cùng Ban lãnh đạo cơ quan tập hợp ý kiến lại và rồi quyết định một cơ chế thống nhất. Lúc đó, anh Bùi Ngọc Hải cũng về hẳn Tuần Tin tức, phụ trách phần quốc tế. Tôi giúp việc cho anh Hải. Phần trong nước có anh Hoàng Dương, anh Sỹ Chân. Cả tòa soạn lúc này cũng chỉ có 8 người, sau tăng lên 12 người. Sau này khi anh Trần Mai Hạnh về làm Thư ký tòa soạn thì có thêm một số các anh chị phóng viên trong nước như anh Bá Sửu, anh Đào Duy Đài, chị Thao Lan... anh Mai Hạnh chủ trương là dần dần toà soạn phải chủ động viết bài của mình. Sau nữa có thêm anh Ngọc Quán lo phần ảnh.
Có một việc mà tôi nghĩ rất quan trọng là hồi đó tòa soạn đã mở rộng mạng lưới cộng tác viên và từ đó góp phần làm cho tờ báo có một diện mạo mới. Trong số các cộng tác viên gạo cội hồi đó có anh Dương Danh Dy, một chuyên gia về Trung Quốc và từng là Tổng lãnh sự ở Quảng Châu. Những bài dài kỳ của anh cũng đã thu hút được số lớn các độc giả. Những “Hồng đô nữ hoàng” nói về cuộc đời Giang Thanh, “Hoàng đế cuối cùng” nói về những năm tháng cuối đời của Hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi, chuyện về các vị phu nhân của các lãnh đạo Trung Quốc .... Báo Tuần Tin tức với những tin bài phần quốc tế đó đã thổi một luồng gió mới cho độc giả, làm cho người dân luôn háo hức chờ thời khắc báo ra.
Ngoài ra, các cộng tác viên Giang Sơn, Bùi Hữu Cường ... cũng đã góp cho tòa soạn nhiều bài hay, thu hút độc giả. Sau này, khi Liên Xô tan rã năm 1991, vụ 11/9/2001 ở Mỹ (lúc này đã là báo Tin tức ra hàng ngày) cũng là những cột mốc lớn của báo Tin tức. Cứ mỗi trưa, sau giờ phát hành báo là anh Tô Ân Xô (hiện nay là trung tướng, Người phát ngôn của Bộ Công an) lại chạy lên bảo hôm nay báo ra 3 vạn bản mà vẫn thiếu. Người làm báo không có gì vui hơn khi nghe những tin như thế.
Dĩ nhiên, phần quốc tế bao giờ cũng là phần đệm. Cái quan trọng nhất của tờ Tuần Tin tức vẫn là phần trong nước. Phải thừa nhận rằng Tuần Tin tức có được uy tín và tiếng vang lớn trong nước là do đã đi đầu trong việc chống tham nhũng, tiêu cực. Và các phóng viên trong nước hồi đó làm việc tài giỏi, nhiệt thành lắm. Anh Phạm Vũ Tâm với bút danh Thơ Linh Cơ đã kể rằng để đi gặp người cung cấp thông tin, anh đã phải đi vào Thanh Hóa như một tình báo. Không đi xe cơ quan mà đi xe khách, xuống xe tại chỗ cách điểm hẹn gặp vài cây số rồi bằng mọi cách bí mật đến điểm hẹn. Rồi anh Vũ Duy Thông với bài Ngành than trước ngưỡng cửa báo động... cũng đã gây những tiếng vang lớn.
Trong những dịp kỷ niệm quan trọng của tòa soạn, tôi lại nghĩ đến những người đi trước, từng đã cùng làm việc và dìu dắt tôi rất nhiều mà nay đã khuất núi. Vị Tổng biên tập đầu tiên của báo, cũng là người đứng mũi chịu sào khi phải đi đối chất với Chính phủ trong vụ Hà Trọng Hòa là bác Đào Tùng. Bác từng bảo cơ quan mình ngồn ngộn thông tin, lực lượng phóng viên, biên tập viên rất giỏi, mình phải cố gắng tận dụng nguồn đó để bứt phá. Anh Phạm Vũ Tâm xông xáo trong công việc nhưng lại rất hiền từ và chân thành với anh chị em trong tòa soạn. Anh Hoàng Dương, người tay hòm chìa khóa của tòa soạn thời kỳ đầu, lúc nào cũng hết lòng vì tòa soạn, thân thiết, thành tâm. Anh Nguyễn Mạnh Chung, người luôn cẩn trọng và tỉ mỉ trong từng việc đến nỗi được chị em trong tòa soạn gọi vui là mẹ chồng, lại là người rất bao dung. Luôn nhớ các anh Dương Đức Quảng, anh Vũ Duy Thông, anh Đình Khuyến. Rồi gần đây là các anh Bá Sửu, Ngọc Quán... mỗi người một việc nhưng đều có những đóng góp đáng quý cho tòa soạn. Chúng tôi đã được sống và làm việc trong một tập thể rất chân thành, thương yêu nhau và đó chính là những kỷ niệm mà không thể phai mờ.
Được chứng kiến tòa soạn lớn mạnh như ngày nay, chúng tôi rất vui mừng. Thời của chúng tôi điều kiện vật chất thiếu thốn, kỹ thuật còn thua xa bây giờ nhưng lại có thuận lợi là độc quyền tin tức. Còn bây giờ, áp lực cạnh tranh lớn hơn, kỹ thuật tiên tiến buộc con người phải thích ứng nhanh hơn.... Chúng tôi luôn mong muốn toà soạn báo Tin tức mãi giữ vững được vị thế của mình và ngày càng phát triển hơn.