Vừa háo hức vừa hồi hộp
Tất cả chúng tôi, phóng viên của Báo Tin tức, trước đây chuyên làm báo giấy. Khi tòa soạn chuyển qua làm báo điện tử, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để thích ứng, trở thành phóng viên “đa phương tiện”, vừa quay phim, vừa chụp hình, vừa viết tin. Và tháng 6/2022, khi đứng trước một nhiệm vụ mới, là làm MC truyền hình cho kênh Tin tức TV, các phóng viên Tin tức vừa háo hức, lại vừa hồi hộp.
Tin tức TV triển khai 2 thể loại trong truyền hình là phóng sự và Talk show. Nhận thức được đây là hai thể loại khó, công phu, nhưng phù hợp với đặc thù của đơn vị, nên chúng tôi đã đầu tư thời gian để tự học, tự tìm hiểu về hai thể loại báo hình này. Đặc biệt, Talk show bàn về một vấn đề lớn đang được xã hội quan tâm, là một sản phẩm thử thách các phóng viên hơn cả.
Phòng Phóng viên là một trong những phòng nội dung trọng yếu của tờ báo. Tất cả các phóng viên theo dõi Bộ, ngành luôn sẵn sàng nhận đề tài phóng sự hay làm host bất cứ khi nào có vấn đề nóng. Phóng viên đảm đương từ kịch bản đến thực hiện các phóng sự, host tại trường quay. Với tố chất của người làm báo là không ngại thử sức, không ngại xông pha, chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Gọi là MC, nhưng chúng tôi là người thực hiện hết các công đoạn từ xây dựng kịch bản, kết nối khách mời, dẫn chương trình, thậm chí là kỹ thuật viên và là chuyên gia của phần nội dung phóng sự hoặc talk show.
Về cá nhân tôi, thực hiện talk show thứ 2 của báo, cũng là talk show đầu tiên của phòng Phóng viên, tôi không khỏi hồi hộp. Nhưng xác định tâm lý nếu không làm thì không biết sức mình đến đâu, tôi tự đi xin kịch bản mẫu của đồng nghiệp để soạn theo vấn đề của mình đặt ra, đến xem chương trình và hậu trường của đài truyền hình…
Song song với việc hoàn thiện kịch bản, phóng viên còn đi làm phóng sự. Vừa tập kịch bản ở trường quay, vừa thực hiện phóng sự đã cho chúng tôi những trải nghiệm vừa lạ vừa quen. Thậm chí khi lần đầu được trang điểm chuyên nghiệp để lên hình, không ít MC đã ngỡ ngàng khi nhìn mình trong gương.
Talk show “Không lãng phí sách giáo khoa" ra đời trước thềm năm học mới nhận được sự quan tâm từ phía Bộ GD&ĐT, các nhà trường, người dân. Vấn đề talk show đặt ra trúng với mối quan tâm đang rất “nóng” của dư luận, đó là bộ sách giáo khoa mới được phản hồi là “chỉ sử dụng được 1 lần”, không thể dùng chung giữa các thế hệ học sinh, giữa các trường, các vùng miền... MC và khách mời tại talk show đã phân tích sâu thực tế này, và cùng bàn bạc về cách thức để tận dụng bộ sách một cách hiệu quả và tiết kiệm. Thông tin từ cuộc talk được đồng nghiệp sử dụng lại và nhận được sự phản hồi tích cực từ phía độc giả.
Đồng nghiệp của tôi, phóng viên Thu Trang chia sẻ: “Khi được phân công lên kịch bản và làm MC cho talk show với chủ đề: “Sửa đổi Luật Đất đai vì lợi ích quốc gia và người dân”, khách mời bao gồm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (và sau đó thời gian ngắn được Quốc hội tín nhiệm bầu là Phó Thủ tướng Chính phủ); ông Phan Đức Hiếu, ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi khá lo lắng. Tôi phải đọc nhiều tài liệu chuyên ngành và học hỏi kỹ thuật viết kịch bản, dẫn chương trình...”.
Viết xong kịch bản, Thu Trang lên trường quay tập và thử trước ống kính nhiều giờ, nhiều lần để không bị bỡ ngỡ.
“Vốn đứng sau ngòi bút, nay lại chuyển thành MC, tôi cũng khá lo lắng, tập đi tập lại nhiều lần”, Thu Trang tâm sự.
Việc đối diện với các khách mời toàn là các “cây đa cây đề”, trong lĩnh vực đất đai, phóng viên không khỏi bị “ngợp”. Nhưng được sự sát cánh của các đồng nghiệp, được sự động viên (và cả hối thúc) của lãnh đạo Phòng cũng như Ban Biên tập báo, phóng viên Thu Trang đã lên sóng trong vai trò MC một cách nhuần nhuyễn, thuyết phục, để lại ấn tượng tốt với khách mời và khán giả.
Phóng viên làm MC nên nắm vững lĩnh vực, sẵn sàng trao đổi và đối thoại với khách mời, thúc đẩy và dẫn dắt tốt vấn đề. Talk show “Sửa đổi Luật Đất đai vì lợi ích quốc gia và người dân”, đến nay vẫn là một chương trình hút view trong số các talk show của báo Tin tức.
“Sau chương trình, bản thân tôi cũng thấy mình tự tin hơn, bản lĩnh hơn trong nghề nghiệp”, phóng viên Thu Trang chia sẻ.
Sản phẩm hình tăng sự kết nối
Đến nay phòng Phóng viên đã thực hiện được 6 talk show với các phóng viên từng làm host như: Tạ Nguyên, Lê Vân, Thu Trang, Minh Phương, Trung Nguyên. Các biên tập viên, phóng viên còn lại trong phòng đều thực hiện các phóng sự có dẫn tại trường quay.
Clip hậu trường của buổi talk show về tuyển sinh đại học năm 2023:
Mỗi sản phẩm hình đều được sự hỗ trợ của một đội ngũ hậu cần và những động viên từ Ban biên tập, lãnh đạo phòng cũng như các đồng nghiệp. Là người mở đầu cho loạt phóng sự hình, phóng viên Tạ Nguyên đến nay đã khá chuyên nghiệp trong việc này. Phóng viên Tạ Nguyên tâm sự: “Chúng tôi được động viên, được khích lệ và được đồng hành khi thực hiện các phóng sự. Từ khâu hậu trường như đón khách, trang trí bàn quay, trang điểm, hỗ trợ trường quay... chúng tôi đều có người hỗ trợ”.
Ngay từ khâu kịch bản, các phóng viên đã được sự trợ giúp của Ban biên tập, lãnh đạo phòng Phóng viên. Có những kịch bản phải sửa nhiều lần mới hoàn thiện, các cấp lãnh đạo rất kiên nhẫn với chúng tôi, bởi thấu hiểu chúng tôi cũng đang cố gắng vừa học vừa làm.
Lần đầu tiên khi phóng viên Thu Trang nhận làm host của talk show có sự tham dự của một Bộ trưởng, khi đó là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, chị trưởng phòng Phạm Thuỳ Hương từng chia sẻ với tôi: “Đây thực sự là áp lực với Trang, em đã host thành công một sản phẩm, hãy động viên, trấn an để Trang hoàn thành nhiệm vụ này”.
Không chỉ dừng lại ở lời nói, từng sự quan tâm trong việc hỗ trợ trường quay, trang điểm, trang phục hay tiếp khách… của các đồng nghiệp ở các phòng chức năng khác đã giúp chúng tôi có những thời khắc làm việc nhóm hiệu quả.
Kỹ thuật viên Vũ Thuần Như bất kể ngày đêm, sẵn sàng làm bìa, dựng intro cho từng talk; bí thư chi đoàn Nguyễn Quỳnh Như đôn đáo tìm người trang điểm; các anh chị phòng Tổng hợp lo chuyện đón khách, chuẩn bị phòng tiếp, bàn quay, Trưởng phòng Quốc tế Trần Thanh Tuấn dành cả buổi để hướng dẫn tôi từ dáng ngồi, tới nét mặt, cử chỉ...
Chính vì vậy mà dù nhân lực mỏng, yêu cầu công việc giống như “truyền hình" khiến chúng tôi không khỏi áp lực, nhưng những phóng viên viết chúng tôi đã lần lượt hoàn thành nhiệm vụ “lên sóng làm MC” của mình.
Không làm sẽ không biết được giới hạn của bản thân, và đến nay, có thể nói chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn cơ bản để sang một giai đoạn mới, sẵn sàng cho tần suất và chất lượng sản phẩm cao hơn. Chúng tôi luôn xác định, nỗ lực của mỗi cá nhân sẽ góp phần vào thành công trong định hướng nội dung của cả tập thể.