Nhân dịp kỷ niệm 40 năm báo Tin tức ra đời (14/5/1983 - 14/5/2023), nơi tôi đã từng có 9 năm làm việc say mê và đầy nhiệt huyết, các bạn hỏi tôi có những kỷ niệm hay điều gì đáng nhớ, tôi nói câu hỏi này rất khó trả lời. Bởi 9 năm so với 40 năm không phải là nhiều. Hơn nữa, những giai đoạn lịch sử nổi đình đám của báo Tin tức thì phần nhiều nằm ở thời kỳ trước đó. Các bậc đàn anh, những cây đa cây đề không phải chỉ của báo Tin tức mà còn của cả ngành Thông tấn, cũng như của làng báo chí Việt Nam, sẽ còn nói nhiều về những giai đoạn nổi như cồn của báo khi còn là Tuần Tin tức hay Tin tức buổi chiều.
Điển hình là việc báo tiên phong trong việc viết bài chống tiêu cực với những vụ việc tạo nên “cơn địa chấn báo chí” như điều tra vụ tiêu cực ở vùng than Quảng Ninh, và nhất là phanh phui những tiêu cực dẫn đến việc kỷ luật lãnh đạo cả bí thư và chủ tịch tỉnh ở Thanh Hóa thời Tuần Tin tức… Hay việc gây sốt trong làng báo lúc bấy giờ sau chính biến ở Liên Xô, Mỹ tấn công Iraq và đặc biệt là vụ khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001 thời Tin tức phát hành buổi chiều, thậm chí có người còn phô-tô trang báo để bán lại mới đủ đáp ứng nhu cầu bạn đọc…
Tôi về báo Tin tức sau những thời điểm đỉnh cao đó, tuy nhiên cũng có rất nhiều điều để nhớ. Mà điều khiến tôi nhớ nhất có lẽ chính là giai đoạn báo chuyển mình tìm hướng đi mới.
Lúc đó là vào khoảng năm 2004 - 2006, báo vẫn đang ra tờ buổi chiều và ấn phẩm cuối tuần. Làm báo buổi chiều thực ra rất vất vả, nhưng mà vui. Vất vả là bởi thời gian “làm báo” rất ngắn, chỉ trong vòng vài ba tiếng đồng hồ buổi sáng nên áp lực công việc rất lớn. Hơn nữa lại rơi vào khoảng thời gian không phải là cao điểm của tin tức, nên tìm cách để lấp đầy thông tin trên mặt báo đã khó, thì việc nâng cao chất lượng thông tin còn khó hơn.
Thường thì đầu giờ sáng, Ban biên tập cử cán bộ dự giao ban thông tin tổng xã, rồi về tổ chức giao ban cán bộ tòa soạn ngay để triển khai chỉ đạo của lãnh đạo ngành. Sau đó là guồng máy bắt đầu vào vòng quay với tốc độ lớn nhất: Lấy tin từ các nguồn, biên tập, duyệt, đổ trang, đọc bông, sửa bông, lên trang rồi khớp các trang và duyệt bông lần cuối để chuyển can đi nhà in. Thường thì một số trang đổ các bài nằm được thực hiện từ buổi chiều hôm trước hoặc đầu giờ sáng, nhưng một số trang chỉ có thể chốt thông tin vào giờ chót để cập nhật tin tức thời sự, thường là “để dành” các trang như trang 1 (tất nhiên), trang 2 là trang tin thời sự mới nhất, trang 3 đăng bài thời sự và một vài trang sau để tiếp bài nếu nhiều… Đến khoảng 11 giờ hoặc 11 giờ 30 là cắt tin và 12 giờ chuyển nhà in để đầu giờ chiều có báo phát hành.
Tuy nhiên, lượng phát hành cứ giảm dần. Lãnh đạo ngành và các ban trong ngành, nhất là ban Tài vụ và Trung tâm phát hành… ngày càng sốt ruột. Ban biên tập và anh chị em tòa soạn báo còn sốt ruột hơn. Nhiều cuộc họp lớn có nhỏ có được tổ chức để tìm hướng khắc phục. Cuối cùng, xác định hai nguyên nhân chính đó là:
Thứ nhất, Tin tức là tờ báo duy nhất ở nước ta phát hành buổi chiều nên gặp khó khăn rất lớn trong khâu phát hành. Phát hành báo giấy phụ thuộc vào bưu điện và các đầu mối phát hành. Trong khi tất cả các báo đều phát hành buổi sáng, do đó nhân viên phát hành mang được nhiều đầu báo cho cùng một lượt đi nên chi phí sẽ thấp; còn báo Tin tức “một mình một chợ” phát hành buổi chiều, thì người đưa báo chỉ đưa một đầu báo nên chi phí sẽ cao gấp nhiều lần báo buổi sáng. Trong khi đó chiết khấu cũng như báo buổi sáng (25%) nên người đưa báo không muốn nhận báo Tin tức; thậm chí có nhận thì nhiều người cũng để ngày hôm sau đưa cùng với báo buổi sáng một thể, vì vậy thông tin đã nguội, việc ra báo buổi chiều đã không còn ý nghĩa và bạn đọc giảm, không đặt mua báo nữa.
Thứ hai, khi chuyển hướng phát hành sang buổi chiều, mục đích chính là nhằm lấp khoảng trống thông tin từ 0 giờ (thời điểm các báo sáng cắt tin) đến 12 giờ trưa (thời điểm báo Tin tức buổi chiều cắt tin. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam chính thức kết nối Internet vào tháng 11/1997 đã kéo theo một loạt báo điện tử ra đời với việc cập nhật thông tin rất nhanh. Đầu tiên phải kể đến Tạp chí Quê hương (của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài) được coi là báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam khai trương ngày 3/12/1997; tiếp sau đó là báo Nhân Dân điện tử ngày 21/6/1998. Đặc biệt, sang thế kỷ 21, một loạt báo điện tử lần lượt ra đời như VnExpress ngày 26/2/2001, VietNamNet được cấp giấy phép ngày 23/1/2003 và năm 2004 là hai tờ báo có lượng độc giả lớn là Tuổi trẻ và Thanh niên cũng chính thức ra bản điện tử. Do đó, mục đích “lấp khoảng trống thông tin” của Tin tức buổi chiều đã không còn nhiều ý nghĩa.
Vì thế, lãnh đạo cơ quan chỉ đạo Ban biên tạp báo nghiên cứu chuyển hướng trở lại phát hành buổi sáng để giải quyết vướng mắc trong khâu phát hành. Hồi đó, anh Nguyễn Duy Cương là Phó tổng giám đốc TTXVN kiêm Tổng biên tập báo, rồi anh Nguyễn Mạnh Chung được bổ nhiệm Tổng biên tập, nhưng sau đó anh Mạnh Chung vì lý do sức khỏe phải nghỉ chữa bệnh, nên anh Nguyễn Duy Cương mặc dù thôi không kiêm nhiệm chức Tổng biên tập báo nữa nhưng vẫn phải sát sao với báo với nhiều chỉ đạo rất cụ thể và quan trọng, nhất là trong việc xây dựng đề án ra báo buổi sáng.
Đồng thời với việc xây dựng đề án báo buổi sáng, Ban biên tập báo Tin tức cũng đề xuất đổi mới mạnh mẽ về nội dung và cách vận hành, cũng như làm bản điện tử để bắt kịp với xu hướng báo chí đang chuyển mình mạnh mẽ lúc đó. Đặc biệt, tên miền tintuc.vn sau một thời gian có người đăng ký đã không còn đăng ký nữa, ban biên tập đề xuất nhanh chóng đăng ký tên miền này để “giữ chỗ”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đề án chỉ thực hiện được một nửa là chuyển báo in sang phát hành buổi sáng.
Nhưng một điều rất mừng là sau đó, các lãnh đạo báo Tin tức đều rất nỗ lực chuyển hướng sang báo điện tử và sau đó đã thành công với trang web là phiên bản điện tử của báo in. Để rồi, sau thời gian dài có thể nói như “loay hoay tìm hướng đi”, báo Tin tức đã chính thức trở thành báo điện tử với sự quyết tâm, nỗ lực và có cả sự dũng cảm của Tổng biên tập Ninh Hồng Nga cùng sự đồng lòng của tập thể báo Tin tức. Để đến bây giờ, báo Tin tức điện tử đã trở thành tờ báo có uy tín trong làng báo chí, đặc biệt về tính chính thống, tính chính xác và độ tin cậy, xứng đáng là Kênh thông tin của Chính phủ.