Tròn 60 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19, doanh nghiệp tìm kiếm sự đột phá cho phát triển kinh tế

15/6 là ngày thứ 60 ghi nhận Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19.

Không có ca mắc mới, bệnh nhân phi công người Anh đã tự thở

Chú thích ảnh

Tính đến 18 giờ ngày 15/6, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy, đã tròn 60 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 8.792 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 96; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.778; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 918 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 2 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 3 ca.

Về tình hình điều trị của BN91 là phi công người Anh, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đã cai thở máy được 3 ngày, tự thở với ôxy hỗ trợ 2lít/phút. Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ 2 tay đang dần hồi phục về mức gần bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5. Bệnh nhân đã có thể giao tiếp tốt được bằng lời nói; chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường.

Các bác sĩ đánh giá, bệnh nhân còn cần thêm thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.

Đột phá để tăng trưởng

Bước qua thời điểm giãn cách xã hội và hành vi, nhu cầu của người tiêu dùng cũng hoàn toàn chuyển hướng tập trung vào những sản phẩm thiết yếu, trong các tháng còn lại của năm 2020, nhiều doanh nghiệp xác định là giai đoạn cần đột phá trong tái tạo nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng mới.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu May Phương Nam (quận Gò Vấp - Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN 

Trong thời gian qua, Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh. Hầu hết doanh nghiệp đều đánh giá những chính sách này rất thiết thực nhưng họ cũng cho rằng, khi triển khai vào từng ngành nghề, lĩnh vực và doanh nghiệp thì chưa kịp thời như kỳ vọng, cũng như sự quyết liệt của Chính phủ.

Cụ thể, theo dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, nhà nước sẽ giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020 không quá 100 người. Tuy mức hỗ trợ dự kiến cao như vậy, nhưng thực tế doanh nghiệp khó tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách này do quy mô sản xuất kinh doanh, thủ tục hành chính...

Riêng về thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thuế 20% hiện hành vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng chung của các quốc gia và chưa khuyến khích doanh nghiệp. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay tình hình gián đoạn mọi hoạt động kinh tế, xã hội đã gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp và nhiều đơn vị sản xuất kinh phải đóng cửa, phá sản... Ngược lại, số doanh nghiệp dự kiến hoạt động có lãi trong năm nay rất ít.

Một số doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động là giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh. Khi cộng đồng doanh nghiệp ổn định và duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ nhanh chóng thu về lợi nhuận, không chỉ hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ít nhất 1 năm, nhất là đối với sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp nói riêng và những ngành nghề, lĩnh vực cụ thể khác. Nếu thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống còn từ 3 - 5% thì giá thành và giá bán sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn, tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng mua sắm và là giải pháp thiết thực để kích cầu, tăng thị phần cho sản phẩm nội địa.

Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, từ giờ đến cuối năm là thời cơ vàng để tăng tốc sản xuất kinh doanh, do đó doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu và kết nối hệ thống đại lý bán hàng để nắm bắt tình hình, chuẩn bị các kịch bản sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2020.

Phục hồi nhu cầu thị trường

Chú thích ảnh
 Lần đầu tiên, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức chương trình "60 ngày vàng" khuyến mại với mức "chạm đáy" tới 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Hoàng Tuyết

Đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi nhu cầu thị trường, mang lại sức bật mới cho nền kinh tế TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình kích cầu tiêu dùng; trong đó, có thể kể đến chương trình "60 ngày vàng khuyến mãi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh" diễn ra từ nay đến hết ngày 30/7/2020. Hay chương trình "Kích cầu tiêu dùng năm 2020" sẽ diễn ra từ ngày 2 - 5/7/2020.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay, các chương trình kích cầu tiêu dùng luôn phân bổ thành hai khu vực chính là sản phẩm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước. Điều này nhằm hướng đến mục tiêu tổ chức kết nối trực tiếp đơn vị sản xuất - cung ứng - phân phối - xuất khẩu thông qua hoạt động xúc tiến, triển lãm giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc sản.

Thống kê đến thời điểm hiện tại, những chương trình kích cầu đã và đang diễn ra thu hút sự tham gia của gần 1.300 doanh nghiệp, với hơn 1.700 chương trình được thực hiện tại 235 chợ truyền thống, 217 siêu thị, 45 trung tâm thương mại, hàng ngàn cửa hàng và nhiều kênh thương mại điện tử đang hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Xử lý nghiêm đối tượng không bị tác động COVID-19 nhưng cố tình chây ỳ thuế

Chú thích ảnh
Nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Cục thuế tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Theo ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế), đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng tuy không bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp của COVID-19 nhưng lấy lý do dịch bệnh để chây ỳ việc nộp tiền thuế phát sinh vào ngân sách Nhà nước.

Tổng cục Thuế đang yêu cầu các Cục thuế rà soát kỹ những trường hợp này để xử lý theo đúng quy định của pháp luật về thuế.

Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục thuế chỉ đạo áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng để thu nợ thuế; đồng thời, cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang bộ phận thanh tra - kiểm tra để tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế với những đối tượng này. “Tổng cục Thuế đã rà soát sơ bộ những doanh nghiệp nợ thuế lớn trên địa bàn cả nước tại thời điểm ngày 31/5/2020. Tổng cục Thuế sẽ thông báo để các cục thuế triển khai thực hiện”, ông Đoàn Xuân Toản nói.

Tổng cục Thuế đang khẩn trương phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ thuế cho người nộp thuế theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội. Thông tư gồm 6 Chương, 25 Điều và 24 phụ lục mẫu biểu, hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

PV/Báo Tin tức
Nhật Bản và UNDP hỗ trợ phòng chống COVID-19 cho các hộ nghèo
Nhật Bản và UNDP hỗ trợ phòng chống COVID-19 cho các hộ nghèo

Ngày 15/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội đã công bố và trao tượng trưng gói hỗ trợ cơ bản gồm 1.300 bộ dụng cụ bảo vệ cá nhân và 1.300 bồn nước sạch dành cho các hộ nghèo và dễ bị tổn thương ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Cà Mau để phòng chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN