Trao phần thưởng 'rỗng ruột' dễ khiến học sinh thất vọng, mất niềm tin

Nhận định về sự việc Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức vinh danh học sinh tiêu biểu, nhưng phần thưởng bên trong chỉ là... một tờ giấy, các đại biểu Quốc hội cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý, suy nghĩ của các em học sinh và phụ huynh.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Thành phố Hà Nội, Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Việc tổ chức tặng thưởng học sinh giỏi của quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa qua không sai, vì cuối cùng các em cũng sẽ nhận được phần thưởng của mình. Tuy nhiên cách làm hình thức như vậy là sai.

Chú thích ảnh
Đại biểu Thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu trả lời báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TN

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, thực tế, có thể vì những lý do khác nhau, nhưng không để thất thoát tiền thưởng của các em. Nhiều nơi vẫn có những cách trao thưởng dù tượng trưng hay tiền mặt. Tuy nhiên, ở trường hợp này, các em học sinh nhận thưởng chỉ là tờ giấy, trong khi các em còn nhỏ tuổi, nhận thức còn non nớt, việc này có thể khiến các em hiểu nhầm, thất vọng, thậm chí mất niềm tin. Việc tổ chức trao thưởng với mục đích động viên học sinh nhưng cuối cùng lại không đạt được mục đích.

"Khi tổ chức khen thưởng, cần đảm bảo thực sự đó là diễn đàn tôn vinh học sinh. Người khen thưởng phải công khai, giải thích về mức thưởng và cách chuyển phần thưởng hợp lý để tránh gây hiểu lầm đáng tiếc cho các em học sinh và phụ huynh", đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.

Chú thích ảnh
Đại biểu tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Ngọc Phương trả lời báo chí. Ảnh: TN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Ngọc Phương cũng nhận định: Hình thức trao thưởng kiểu này có thể coi là rất "hình thức - thưởng ảo”.

Xét về ý nghĩa, việc quan tâm, động viên học sinh của nhà trường lại trở thành “lừa” học sinh, tạo nên hành vi không tốt, khiến các em và phụ huynh phản ứng, mất niềm tin.

“Việc làm như vừa qua đã vô tình đã không tạo được niềm tin, đã đánh mất hết ý nghĩa của việc khen thưởng. Bộ Giáo dục - Đào tạo cần chấn chỉnh việc khen thưởng kiểu hình thức như thế. Trong thời gian tới, khen thưởng phải có chọn lọc, có ý nghĩa. Các thầy, cô giáo cũng phải tuân thủ quy định, không để khen thưởng theo bệnh thành tích”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội coi đó là sự cố trong việc tổ chức sự kiện. Người đứng đầu ngành giáo dục quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã nhận trách nhiệm và xin lỗi học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.

Bất cứ sơ suất nào trong việc tổ chức sự kiện đều có thể để lại trong tâm hồn các em dấu ấn không đẹp và rất khó phai. Ngành giáo dục và các cơ quan tổ chức những sự kiện như vậy phải rút kinh nghiệm nghêm khắc. Cần phải kỷ luật những người ưa bệnh hình thức như vậy.

Video đại biểu Phạm Tất Thắng trả lời báo Tin tức:

Được biết, tối 23/5, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Cầu Giấy, Phạm Ngọc Anh đã gửi thư xin lỗi các bậc phụ huynh, học sinh, các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận về việc phát phần thưởng học sinh giỏi tiêu biểu là một tờ giấy màu.

“Thay mặt lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Cầu Giấy, tôi xin gửi tới các bậc phụ huynh, các em học sinh lời xin lỗi chân thành và mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Với chúng tôi, đây là bài học cần rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức các chương trình. Mong nhận được sự phối hợp, đồng hành của các bậc phụ huynh và các em học sinh trong thời gian tới”, nội dung bức thư nêu.

Hoàng Dương - Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Đại biểu Quốc hội: Quá trình điều tra hành vi dâm ô đối với trẻ em rất khó khăn
Đại biểu Quốc hội: Quá trình điều tra hành vi dâm ô đối với trẻ em rất khó khăn

Tội danh dâm ô với trẻ em đã được quy định trong Bộ Luật hình sự nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải làm rõ trong những trường hợp cụ thể. Bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN