Phóng viên báo Tin tức có cuộc trao đổi nhanh với đại biểu Phan Thị Mỹ Dung bên hành lang Quốc hội trong ngày Quốc hội thảo luận Luật Giáo dục (sửa đổi).
Thưa bà, thời gian qua có nhiều sự việc nóng của ngành Giáo dục gây bức xúc dư luận, như giáo viên xâm hại tình dục hay đánh học sinh, tình trạng bạo lực học đường… Bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Tôi ghi nhận những nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp để thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Từ nhiều vấn đề cụ thể, các cử tri và đại biểu đã thảo luận và có nhiều ý kiến.
Tôi cơ bản ủng hộ dự luật Giáo dục sửa đổi. Tuy nhiên, bên cạnh sự đổi mới về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa, việc sửa đổi Luật Giáo dục hiện nay phải đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển, hội nhập quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo giữ nề nếp giáo dục truyền thống, làm sao gắn kết giữa thầy và trò, giữ vững tôn sư trọng đạo, sự hiếu học của học sinh.
Tôi có cảm giác hiện nay, thầy cô gặp khó khăn trong giáo dục học trò. Một số sự việc cá biệt của các cá nhân nhà giáo xảy ra, không nên lấy đó để đánh giá đạo đức của tất cả các thầy cô. Cũng như một vài hành vi thiếu chuẩn mực của các em học sinh không thể lấy để đánh giá toàn bộ đạo đức học sinh, sinh viên đi xuống.
Tất nhiên những sự việc đó cũng phần nào làm cử tri không yên tâm, phụ huynh cũng không yên tâm về chất lượng giảng dạy. Tôi mong muốn có sự gắn liền giữa đổi mới, hiện đại và phải giữ nề nếp truyền thống như ngày xưa. Nếu tạo cho các em sự tự do, thoải mái quá đà, thì có thể đánh mất đi nếp đạo đức truyền thống giáo dục.
Vậy, những hành vi thiếu chuẩn mực của các giáo viên được báo chí phản ánh nên được nhìn nhận như thế nào, thưa bà?
Giáo viên hiện nay có nhiều áp lực, đứng lớp mà nói năng cũng không được thoải mái, không dám thể hiện hết quyền của giáo viên trong giảng dạy, chỉ sợ sơ suất. Giáo viên vừa phải cập nhật chương trình mới, ứng dụng công nghệ thông tin, vừa phải xử lý các em học sinh cá biệt. Mỗi giáo viên phụ trách mấy chục em học sinh, áp lực này cần được chia sẻ.
Nếu phụ huynh hiểu, chia sẻ và phối hợp với nhà trường, thì sẽ có kết quả tốt. Còn có phụ huynh giao hẳn con em cho nhà trường thì khó có kết quả tốt. Giáo viên bây giờ chỉ thể hiện hành vi nóng nảy một chút là các em dùng điện thoại quay, chụp đưa lên mạng. Chúng ta cần nhìn nhận khách quan và công bằng đối với các nhà giáo.
Theo tôi, cần có phương pháp, chứ không thể để các em tự học, tự chủ, tự cập nhật kiến thức, giáo viên chỉ nhắc nhở mà không có giải pháp mạnh mẽ thì khó cho giáo viên.
So sánh giáo dục Việt Nam với các nước thì môi trường giáo dục của ta vẫn thiên về truyền thụ kiến thức là chính. Liệu đó có phải là nguyên nhân dẫn đến những hành vi bạo lực trong học đường?
Nền giáo dục nước ta khác với các nước tiên tiến, nhưng không nên lấy đó để cưỡng ép phải thay đổi trong thời gian ngắn, mà cần thay đổi từng bước.
Hiện nay, cơ sở vật chất và đầu tư cho giáo dục trong nước không được như các nước khác. Chỉ một chương trình đổi mới phương pháp dạy và học cũng đã phải bỏ ra nhiều tiền. Nhiều ý kiến còn cho là đầu tư như thế quá lớn, nhưng nếu không đầu tư thì làm sao có chuyển biến về chất lượng.
Theo bà, liệu chúng ta có nên đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này một triết lý giáo dục rõ ràng hơn hay không?
Tôi nghĩ, không cần định nghĩa nền giáo dục Việt Nam phải theo một triết lý nào. Nền giáo dục của Việt Nam đâu phải mới đây, mà gắn liền với văn hóa, truyền thống tôn sư trọng đạo từ thời phong kiến duy trì đến ngày nay. Những điều đó đã được cụ thể hóa trong các chiến lược, nghị quyết của Đảng. Điều quan trọng là phải làm sao để nền giáo dục phát triển, tạo đội ngũ tương lai bắt kịp thế giới. Còn trên từng nhiệm vụ cụ thể sẽ có giải pháp cụ thể.
Nếu vẫn muốn nghiên cứu triết lý thì có thể lập đề án riêng, thực hiện song song, còn việc sửa đổi Luật Giáo dục cũng vẫn phải thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Xin cám ơn đại biểu!