Đại biểu Quốc hội nói gì về việc giá điện tăng cao gây bức xúc cử tri?

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết chưa đồng tình với giải trình của Bộ Công Thương về việc giá điện tăng cao bất thường, trong khi đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị báo chí cần thông tin trung thực, khách quan.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội chiều 20/5, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, giá điện tác động trực tiếp không chỉ đến người tiêu dùng mà cả khối sản xuất, khi các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau về chi phí giá điện.

Chú thích ảnh
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang). Ảnh: HD

Do đó, theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Bộ Công Thương phải xem xét cách tính giá điện toàn diện cả 2 mặt: Thứ nhất, giá thành sản xuất điện hiện nay có đúng không. Hiện nay thất thoát đường dây còn lớn. Việc hạch toán chi phí giá thành của các doanh nghiệp cung ứng điện phải sát sao và có lộ trình để giảm dần chi phí, sao cho có chi phí thấp nhất. 

Thứ hai là vấn đề tính toán giá điện bậc thang. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết không đồng ý với ý kiến cho rằng chia càng nhiều bậc càng tốt. Với cách tính toán bậc thang hiện nay, bậc thấp nhất lại nằm ở rất ít đối tượng được hưởng lợi, còn hầu như người dân đều chịu ảnh hưởng ở các bậc cao.

"Cách tính toán làm sao vừa giúp những người khó khăn, nhưng cũng phải vừa đáp ứng được cả yêu cầu của sản xuất. Phải đáp ứng cả 2 mặt: cung ứng giá thành và giá bán phải phù hợp", bà  Mai Thị Ánh Tuyết nói.

Cũng theo nữ đại biểu này, phân nhiều bậc thang khi tính giá điện như hiện nay không mang ý nghĩa giải quyết vấn đề mà người dân mong muốn là giá điện phù hợp. Người dân dùng nhiều thì trả nhiều tiền nhưng hiện không tương xứng giữa tài chính bỏ ra và cung ứng điện, nên người dân bức xúc là dễ hiểu.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị Bộ Công Thương phải tính toán lại, giảm giá thành nhiều hơn nữa. Đồng thời nên xem xét mở cửa thị trường bán lẻ điện cho nhiều nhà đầu tư có lợi thế cạnh tranh tốt hơn. Có cạnh tranh sẽ có giảm giá thành thay vì độc quyền. "Việc Bộ Công Thương vẫn cho rằng Bộ làm đúng quy định, theo tôi là chưa thỏa đáng", đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết kết luận.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho rằng có một số báo chí khi thông tin về việc tăng giá điện đã thiếu đầy đủ, thiếu khách quan, thậm chí thái quá, khiến các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc chính sách của Nhà nước.

Sau đây là video nội dung trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương:

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, không phải Tập đoàn Điện lực muốn tăng giá là tăng mà đã có sự trình bày với Chính phủ, với các cơ quan có liên quan, và được Chính phủ đồng ý mới triển khai.

"Theo tôi việc tăng giá điện là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, với nhu cầu phát triển điện lực và đưa vai trò của điện lực phục vụ tốt hơn cho cuộc sống. Tuy nhiên, tăng giá vào đúng thời điểm thời tiết nắng nóng kéo theo tăng mức độ sử dụng điện, lại vào tháng tăng số ngày sử dụng điện, tất cả hợp lại dẫn tới tiền điện tăng theo mức giá bậc thang. Khi giá điện tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, tất sẽ có sự phản ứng", ông Nguyễn Ngọc Phương nói.

Khi có sự phản ứng của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc, yêu cầu thanh tra làm rõ, tránh trường hợp có những vấn đề ẩn khuất, tham nhũng, trục lợi của Tập đoàn Điện lực. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải có giải pháp để phân cấp quản lý điện theo từng cung bậc, đây là việc rất cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng kết quả kiểm tra giá điện khá phù hợp và thỏa mãn. Ông tin tưởng vào giải trình của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực, Chính phủ đã vào cuộc thanh tra, nếu có gì làm tổn hại đến cuộc sống của người dân sẽ bị xử lý.

Trước đó, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Chính phủ sau khi có nhiều thông tin về việc giá điện tăng quá cao. Kết quả kiểm tra hoat động niêm yết công khai giá, ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện cho thấy, các đơn vị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện đúng quy trình kinh doanh, tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ về ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện.

Hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do 3 nguyên nhân: sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng vì thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 4/2019 là 31 ngày, nhiều hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 3/2019.

 

Hoàng Dương - Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Nắng nóng, lượng tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục
Nắng nóng, lượng tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục

Ngày 19/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do nắng nóng gay gắt trên diện rộng và duy trì liên tục ở mức 39 - 40 độ ở miền Bắc và miền Trung, lần đầu tiên trong lịch sử, công suất đầu nguồn của hệ thống điện toàn quốc đã vượt qua con số 36.000 MW.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN