Quốc hội bàn Luật Giáo dục: Đại biểu quan tâm gian lận thi cử, ấu dâm, bạo lực học đường

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Phóng viên báo Tin tức ghi nhận ý kiến của các đại biểu về các vấn đề liên quan đến dự luật này.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Vấn đề gian lận thi cử cần công khai, không giấu diếm danh tính

luu binh nhuong
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Ảnh: H.V

Trong các vụ gian lận thi cử bị phanh phui vừa qua, tất cả những ai tham gia, được hưởng lợi và nghi ngờ có dính líu đều phải được công bố vì bất kỳ ai cũng phải bình đẳng trước pháp luật, không thể giấu diếm. Sai phạm không được phép che giấu trong bóng tối mà phải đưa ra ánh sáng, để mọi người có cách ứng xử, đánh giá, lên án, giáo dục, lấy đó làm gương.

Những trường hợp không công bố chính là che giấu và dễ tạo ra tâm lý rằng điều đó không đáng ngại, các sự việc vi phạm có thể tiếp tục diễn ra. Thậm chí người dân sẽ đánh giá thấp quá trình thanh tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.

Đương nhiên người đứng đầu ngành, đứng đầu địa phương, đứng đầu cơ quan phụ trách không thể không có trách nhiệm trong những sự việc này. Cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu ngay từ khi bắt đầu triển khai các chính sách, xem đã làm tốt hay chưa, có thực hiện thanh kiểm tra không. Thậm chí, ở một vài sự việc lẻ tẻ có vào cuộc xử lý ngay không hay để rộ lên rồi mới giải quyết.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Cần đưa các vấn đề xâm hại tình dục, ấu dâm vào Luật Giáo dục

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Nguyên Tạ

Trước các sự việc về bạo lực, xâm hại tình dục trong học đường thời gian gần đây, rất cần phải bổ sung vào Luật Giáo dục sắp tới những giải pháp làm thế nào để xử nghiêm các trường hợp vi phạm gây tổn hại đến học sinh, sinh viên, gây ảnh hưởng đến tư tưởng đạo đức, lối sống của người dân. Cần phải có những giải pháp cụ thể để đưa vào Luật.

Các yếu tố bạo lực học đường, ấu dâm, gây tai nạn, đánh học sinh... nên đưa vào thành vấn đề chung là xử lý nghiêm tất cả những trường hợp thầy giáo, cô giáo hoặc học sinh, sinh viên vi phạm.

Còn vấn đề có hay không nêu tên thí sinh gian lận trong thi cử, theo tôi đã phát hiện vi phạm, phải kịp thời công bố để ngăn chặn, răn đe các hành vi vi phạm khác. Cũng từ đó, cảnh báo tất cả những người đã vi phạm hoặc chưa vi phạm, có như thế mới tạo được niềm tin với người dân. Thực tế những học sinh đã học được đến lớp 12 là đã có nhận thức và nếu bị bố mẹ đưa vào tình trạng gian lận đó thì học sinh cũng đã có lập trường để tránh việc này.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang): Chúng ta có "làm quá" chuyện đòn roi?

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức. Ảnh: Bích Ngọc

Trước những câu chuyện giáo viên có hành vi đánh học sinh, ở góc độ bản thân, tôi cảm thấy thương các thầy cô giáo. Đến con mình còn khó dạy. Nói thực là số học sinh cá biệt bây giờ không ít, đã không học còn phá đám. Nếu ta quá đề cao tính cá nhân của các em học sinh thì có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Với tư cách đại biểu, cũng là một người thầy, tôi thấy nếu không có chế tài xử lý học sinh vi phạm thì rất khó. Tôi rất thông cảm với những vị phụ huynh có con không ngoan lắm, nhưng cần có chế tài xử lý. Trẻ mà không dạy dỗ cẩn thận thì lớn lên rất khó dạy. Cây non dễ uốn. Tôi rất thông cảm với các thầy cô, khi thậm chí phải có biện pháp cứng rắn. Đừng tạo áp lực cho các thầy cô, nhiều khi đánh học trò đấy mà ứa nước mắt.

Mục tiêu lớn nhất của chúng ta là giáo dục con người Việt Nam có đạo đức làm người. Rất đáng buồn là hiện nay nhiều người có đạo đức xuống cấp làm đảo lộn xã hội. Những đối tượng đó, có cả những em học sinh hư hỏng.

Tôi không đồng tình với việc giáo viên kỷ luật theo kiểu tra tấn, đánh đập học sinh, nhưng rõ ràng phải có chế tài, nếu không thì nói không ai nghe. Nếu anh không thực hiện tốt thì anh phải chịu chế tài. Chứ không phải động đến chế tài là "nhảy tưng" lên.

 

Hoàng Dương - Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Đại biểu Quốc hội nói gì về việc giá điện tăng cao gây bức xúc cử tri?
Đại biểu Quốc hội nói gì về việc giá điện tăng cao gây bức xúc cử tri?

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết chưa đồng tình với giải trình của Bộ Công Thương về việc giá điện tăng cao bất thường, trong khi đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị báo chí cần thông tin trung thực, khách quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN