Khủng hoảng tâm lý lứa tuổi
“7-8 năm về trước, hầu như không ai chú ý tới vấn đề bạo lực học đường. Nhưng giờ đây, chỉ một sự việc nhỏ cũng có thể trở thành hiện tượng gây shock trong xã hội với tốc độ lan truyền nhanh” - GS.TS. Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ.
Đây là một thực tế. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, thời nào trong giới học sinh cũng có những va chạm, xô xát. Tuy nhiên, những vụ việc đánh hội đồng trong giới học trò gần đây với những biểu hiện dã man như lột quần áo của nạn nhân, hành hạ đến mức nạn nhân phải nhập viện, thản nhiên reo hò, quay clip tung lên mạng xã hội… thì thật sự đáng lên án.
Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Phạm Mạnh Thường thống kê của ngành công an chỉ ra trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT.
Theo PGS. TS. Trần Thị Minh Hằng, nguyên Chủ nhiệm khoa Giáo dục, Trưởng phòng Sau đại học (Học viện Quản lý giáo dục), học sinh càng lớn thì tỷ lệ bạo lực càng nhiều, hình thức càng nặng nề và có sự liên kết với nhau để cùng đánh 1 người hoặc nhóm này đánh nhóm khác. Đáng chú ý, không chỉ có những vụ ẩu đả giữa các nam sinh mà nữ học sinh cũng tham gia các hành động bạo lực học đường. Thậm chí, theo PGS. TS. Trần Thị Minh Hằng, “khi nữ đã tham gia thì tính chất bạo lực có phần nặng nề hơn. Hậu quả là nạn nhân tổn thương cả tinh thần và thể chất”.
Các chuyên gia giáo dục và tâm lý sư phạm đã chỉ rõ: Khủng hoảng tâm lý lứa tuổi và các vấn đề sức khỏe tâm thần trường học là một trong những nguyên nhân chính gây nên bạo lực học đường và khiến vấn nạn này gia tăng với con số chóng mặt trong thời gian gần đây.
Hầu hết giáo viên đều công nhận học sinh hiện nay thông minh, hiếu động hơn trước, nhưng đi kèm với đó là sự gia tăng những hành vi quậy phá, xem thường việc học, thậm chí coi thường thầy cô. Một số học sinh vào trường không học hành mà chỉ gây rối, nhất là học sinh cấp 2-3, lứa tuổi trẻ con chưa qua, người lớn chưa tới, hay muốn chứng tỏ mình trước bạn bè.
Tiến sỹ Dương Thị Thanh Thanh - Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Giáo dục, Trường Đại học Vinh chia sẻ: "Theo tôi, cần xem xét kỹ về nguyên nhân của bạo lực học đường, nhất là đối với lứa tuổi THCS, THPT. Đây là lứa tuổi có nhiều biến động về tâm sinh lý, trẻ có nhiều mong muốn khẳng định bản thân. Vì vậy, đối với trẻ em nói chung, đối với học sinh nói riêng, cần giáo dục để trang bị kiến thức và hình thành các kỹ năng sống cơ bản trong giao tiếp ứng xử và kỹ năng ứng phó với các tình huống khác nhau trong cuộc sống, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng giải quyết vấn đề... Những kỹ năng đó được giáo dục như thế nào thì phụ thuộc vào gia đình, nhà trường, xã hội.”
Theo các chuyên gia, để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, xoá bỏ nạn bạo lực học đường, cần tập trung chăm sóc đời sống và sức khỏe tâm thần cho học sinh, sinh viên để giảm thiểu những khó khăn tâm lý, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân người học.
Chính vì vậy, nhấn mạnh về việc phải kiểm soát bạo lực học đường, TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện quản lý Giáo dục cho rằng, cần thay đổi nhận thức tổng thể để có sự vào cuộc của cả hệ thống xã hội, đặc biệt là đẩy mạnh mô hình hỗ trợ tâm lý học đường.
Khảo sát của Bộ GD&ĐT tại Hà Nội và Hải Dương, hiện nay, khoảng 80% học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một không gian riêng tư trong trường học để chia sẻ và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân. TS. Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành 25 văn bản liên quan tới phòng chống bạo lực trong trường học, và riêng về vấn đề tư vấn tâm lý học đường, có hẳn Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông” có hiệu lực từ 2/2/2018 (Thông tư 31).
“Theo quy định, nhà trường phải có tổ tư vấn để hỗ trợ và can thiệp, giúp đỡ khi học sinh gặp khó khăn về tâm lý. Trong đó, các em cũng được tư vấn để tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác”- TS. Bùi Văn Linh cho biết.
Không dễ triển khai
Tại Hà Nội, từ năm 2014, mô hình phòng tư vấn tâm lý đã được triển khai tại một số trường phổ thông và hoạt động khá hiệu quả như trường THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Đinh Tiên Hoàng, THPT Đông Đô, THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm)… Cho tới nay, đây vẫn là những lá cờ đầu làm điển hình khi triển khai phòng tư vấn tâm lý tại Hà Nội. Trường có phòng tư vấn riêng để đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận. Các cán bộ tư vấn chuyên nghiệp, trong đó, nhiều thầy cô giáo làm tư vấn vốn là những cử nhân giỏi về tâm lý học đường tốt nghiệp tại ĐH Sư phạm Hà Nội.
TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng quản trị trườngTHPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ, trong hơn 20 năm làm hiệu trưởng, ông mất rất nhiều thời gian, tâm sức để xử lý nhiều vụ việc giữa học sinh và học sinh; học sinh và giáo viên; giáo viên và phụ huynh. Từ kinh nghiệm làm tâm lý giáo dục của mình, TS Nguyễn Văn Hòa nhận thấy bạo lực học đường có nguyên nhân chủ yếu từ vấn đề tâm lý lứa tuổi học sinh nên giải pháp cũng phải từ tâm lý. Từ đó, trong 8 năm trở lại đây, nhà trường đã tìm ra giải pháp bằng việc đưa giá trị sống, kỹ năng sống vào trường học, mỗi tiết một tuần. Đây là cách giải quyết các vấn đề tâm lý của học sinh ngay trên lớp học. Từ đó, các em học sinh có được kỹ năng sống, còn các cô giáo biết quản lý cảm xúc, chuyển hoá cảm xúc, biến tâm lý căng thẳng thành chuyện bình thường. “Nhờ đó, 8 năm qua, trường chúng tôi thay đổi hoàn toàn, không phải giải quyết các vấn đề như trước nữa’, TS Nguyễn Văn Hòa khẳng định.
Tuy nhiên, trên diện rộng, Hà Nội cũng như các địa phương khác vẫn gặp nhiều khó khăn khi triển khai mô hình phòng tư vấn tâm lý học đường.
Để thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường, nhà trường phải bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng (đối với trường tiểu học có thể bố trí phòng hoặc góc tư vấn tùy theo quy mô và điều kiện nhà trường) đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn. Nhưng với nhiều trường học, khó khăn về cơ sở vật chất khiến các trường không có phòng tư vấn tâm lý riêng, phải tận dụng các phòng Đoàn đội, phòng Y tế… Điều này cũng khiến các học sinh còn nghi ngại, ít tìm đến các phòng tư vấn tâm lý.
Thêm vào đó, theo yêu cầu, các trường phải có tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành). Tuy nhiên hiện hầu hết các nhà trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý. Thông tư 31 “tháo gỡ” điều này bằng quy định giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định của Bộ GĐ&ĐT. Nhưng, việc sử dụng giáo viên kiêm nhiệm lại kéo theo những khó khăn khác là giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học đường.
Trên thực tế, đội ngũ công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân. Một số khác là giáo viên dạy Lịch sử, Địa lý hay cán bộ chuyên trách tại các phòng ban như phòng Công tác HSSV, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên. Mặc dù hàng năm, đội ngũ cán bộ này đều được tập huấn nâng cao trình độ nhưng nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa. Cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế làm hạn chế năng lực tư vấn trên thực tế của đội ngũ này...
Hỗ trợ về tâm lý cho cả giáo viên
TS Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV cho biết căn cứ vào quy định tại Thông tư 31, mỗi nhà trường sẽ có một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, tổ này do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ 3-7 người và tất cả giáo viên tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý.
Như vậy, về quy mô, tính sơ bộ khoảng 14.000 trường THCS, THPT trên cả nước, mỗi trường khoảng 5 người, thì khoảng 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 2-3 năm tới.
Trong thời gian tới, để đảm bảo kiện toàn đội ngũ giáo viên tư vấn tâm lý, Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên tư vấn tâm lý và đã được nghiệm thu, đến thời điểm hiện nay, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ để phê duyệt chương trình Bồi dưỡng tâm lý. Tiếp theo, các cơ sở giáo dục đào tạo được giao nhiệm vụ có trách nhiệm bồi dưỡng giáo viên tư vấn tâm lý và cấp chứng chỉ cho giáo viên trong toàn quốc...
TS Bùi Văn Linh cho biết thêm: Trong thời gian tới, yêu cầu bảo đảm thể chất, tinh thần cho học sinh và giáo viên đều quan trọng như nhau. Một vài vụ việc xảy ra trên thực tế thời gian qua cho thấy công tác tư vấn tâm lý, tham vấn học đường trong thời gian tới cần phải được mở rộng thêm tới cả giáo viên, hướng tới sàng lọc những thầy cô gặp khó khăn để tiếp cận và hỗ trợ các thầy cô làm tốt nhiệm vụ truyền đạt tri thức, đạo đức cho học sinh.
Giải pháp cho nạn bạo lực học đường - Bài 3: Giáo viên chủ nhiệm, người dẫn hướng tận tụy