Giải pháp cho nạn bạo lực học đường - Bài 1: Răn đe và giáo dục

Liên tục các vụ bạo lực học đường diễn ra và được lan truyền bởi các clip tung lên mạng xã hội khiến dư luận bàng hoàng trước một thế hệ học trò ngỗ nghịch, ngang nhiên xúc phạm nhân phẩm người khác và bàng quan tới vô cảm trước nỗi đau của bạn bè. Đã đến lúc thực hiện ngay các giải pháp toàn diện nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Đánh giá đúng mức độ hành vi của những cá nhân sai phạm trong các vụ bạo lực học đường là điều cần thiết, để từ đó đưa ra những hình phạt có tính sư phạm, đảm bảo tính răn đe và giáo dục, xoá bỏ các hành vi xấu trong môi trường học đường.

Bài học nhớ đời

Ngay sau vụ việc học sinh lớp 9 bị đánh hội đồng tại Trường THCS Phù Ủng, Ân Thi (Hưng Yên), em Q. (là nữ sinh được "giao nhiệm vụ" quay clip và cũng là một trong những người tham gia đánh bạn) đã không dám ra khỏi nhà. Q. nói, sau sự vụ, bản thân rất lo sợ và không đêm nào ngủ yên.

Chú thích ảnh
Liên tục các vụ bạo lực học đường xảy ra và được lan truyền bởi các clip tung lên mạng xã hội khiến dư luận bàng hoàng. Ảnh cắt từ clip

Người nhà của Q. cho biết, nữ sinh này không dám bước chân ra khỏi nhà vì sợ điều tiếng của hàng xóm.

Còn em L. (một trong những nữ sinh trực tiếp đánh bạn), sau sự vụ, mỗi lần L. lên mạng là nhận được những tin nhắn đe dọa "xử" từ những người xa lạ. L sợ đến phát khóc. Cả gia đình chỉ lo L. vì sức ép của cộng đồng mạng mà nghĩ quẩn.

Qua sự việc này có thể thấy, bạo lực học đường không chỉ gây tổn thương về thể xác và tinh thần đối với học sinh bị đánh mà chính các thủ phạm cũng phải gánh chịu hậu quả từ hành vi của mình. Hiện nay, đa số việc xử lý các cá nhân học sinh liên quan tới các vụ bạo lực học đường vẫn do các nhà trường thực hiện. Hình phạt đa phần là đình chỉ học tập một thời gian, kiểm điểm, ghi hồ sơ, học bạ…Tuy nhiên, sự phẫn nộ của dư luận xã hội, những lời chỉ trích, dè bỉu của cộng đồng không biết đến bao giờ chấm dứt mới chính là hình phạt đáng sợ hơn cả. Các em đã và đang phải trả giá cho hành động thiếu suy nghĩ của mình.

Bạo lực học đường, đánh nhau, tranh chấp… là chuyện thường xảy ra trong mối quan hệ của giới học trò. Hiện tại đã là bà mẹ của 2 đứa con nhưng khi nhớ lại quá khứ “yêng hùng” một thời cắp sách đến trường của mình, chị N.T.T (Thanh Trì, Hà Nội), vốn được bạn bè gọi bằng cái tên “T. thịt chó”, vẫn không thể quên. Từng là học sinh cá biệt, biết võ và luôn thẳng tay “xử” những người mà mình cảm thấy “chướng mắt” hay dám “bật lại” các chị em trong nhóm, “T.thịt chó” khiến ai nghe đến cái tên cũng phải kiêng nể, kể cả đám con trai.

Đã hơn chục năm trôi qua, những cuộc đánh đấm bên ngoài cổng trường cấp 2, kéo bè kéo lũ xử một người bạn nào đó, với T. giờ chỉ còn là những kỷ niệm. Chị thành thực chia sẻ: “Hồi đó cũng chỉ là do tính tình còn trẻ con, muốn thể hiện bản thân mình nên tôi có hơi ngỗ ngược một chút. Giờ nhớ lại mới thấy, nếu được gia đình và thầy cô bảo ban, sát sao hơn thì có lẽ tôi đã không bị gắn với một hình ảnh bất hảo như thế”.

Lứa tuổi học sinh cấp 2, cấp 3 có thể nói là lứa tuổi “nổi loạn”. Các em có xu hướng thoát ra khỏi những quy tắc của người lớn, gia đình và nhà trường, để thể hiện cá tính bản thân. Không chỉ riêng con trai mà ngay cả con gái, có thể chỉ vì một xích mích nhỏ, chẳng hạn như không cho chép bài, “giật bồ” của nhau hay nhìn mà không chào, nhìn “đểu”… cũng có thể là nguyên nhân khởi phát cho một cuộc chạm trán bên ngoài cổng trường.

Nếu là những xích mích dẫn đến xô xát, va chạm nhỏ, các nạn nhân thường có xu hướng bỏ qua, không kể với bố mẹ hay thầy cô, để mọi chuyện qua đi êm thấm. Tuy nhiên, với những cuộc ẩu đả lớn, có thể thiệt hại lớn về thể chất và tinh thần cho nạn nhân thì nó không còn là câu chuyện nhỏ của riêng các em nữa.

Từng là bạn nhân của bạo lực học đường từ nhiều năm trước, anh N.M.Đ, học sinh trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Thời nào cũng vậy, xích mích, đánh nhau của các em học sinh đôi khi rất nhỏ nhặt, thậm chí không đâu vào đâu. Vào thời của tôi, chỉ có chiếc xe đạp mới cũng khiến chúng bạn khiêu khích và tôi đã chọn giải quyết mâu thuẫn bằng “nắm đấm”. Cả một nhóm tới 20 người ở khu vực nhà người bạn tập trung chờ tôi ở cổng trường, kẻ đánh, người đạp xe khiến tôi nằm lịm ra đất. Tôi chỉ nhớ mãi hình ảnh mẹ ôm tôi vào lòng khóc òa mà gắng gượng vượt qua nỗi ám ảnh, đi học tiếp ở một trường mới”.

Anh Đ. cho rằng đến bây giờ nghĩ lại, anh vẫn cho rằng việc các bậc phụ huynh không làm lớn chuyện, việc bố mẹ chấp nhận lời xin lỗi của gia đình các học sinh khác là đúng đắn. Cách làm cho mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn mà mở đường cho các bạn được đi học tiếp thay vì đem mọi sự trừng phạt đổ lên đầu học sinh.

“Người trong cuộc” hiến kế

Ở thời điểm hiện tại, bạo lực học đường là vấn nạn của toàn xã hội, xảy ra ở nhiều quốc gia. Thế nhưng cùng với việc lan tỏa của mạng xã hội, bạo lực học đường giống như những thước phim bạo lực mang ra ngoài đời thực. Điều đó gây bàng hoàng với rất nhiều người.

Dù luôn chủ trương không đuổi học những học sinh vi phạm mà cần giáo dục để các em hiểu sai lầm của mình nhưng NGƯT Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội khẳng định trước những vụ việc nghiêm trọng như vụ việc đánh hội đồng bạn học tại Hưng Yên vẫn cần có hình phạt thích đáng để các em học sinh nhận ra sai lầm của mình. “Có thể quy trách nhiệm hình sự khi các em học sinh đánh người và vi phạm nhân phẩm người khác. Các em sẽ phải chịu trách nhiệm vì những điều mình làm bằng việc phạt lao động công ích hoặc những án phạt thích đáng với những lỗi lầm mình gây ra. Các học sinh khác lấy gương đó để thay đổi”. - thầy Nguyễn Tùng Lâm đưa ra ý kiến.

Trao đổi với phóng viên, các em học sinh một số trường THCS, THPT tại Hà Nội đưa ra nhiều “kế sách” để ngăn chặn bạo lực học đường.

T.Nguyên, (học sinh lớp 9 Trường THCS Archimedes), cho rằng để giảm bạo lực học đường, các bạn học sinh nên hạn chế xem phim hành động. Thay vào đó, bản thân các học sinh cần chủ động tham gia và các trường nên tổ chức các hoạt động xã hội phong phú để hướng cho các học sinh quan tâm đến những người xung quanh nhiều hơn. Các hoạt động như đi thăm viện mồ côi, trường học cho người khuyết tật... có thể giúp các bạn trẻ biết yêu thương, sống nhân đạo hơn.

Trong khi đó, Minh Phương (học sinh lớp 12 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) lại khẳng định, các hình phạt cho học sinh không hướng đến kỷ luật, buộc phải thôi học... mà nên xử lý các bạn vi phạm bằng hình phạt lao động công ích. Như vậy, các bạn học sinh vừa thấy giá trị của lao động, vừa có trách nhiệm hơn với những việc mình đã làm.

Khẳng định việc học hành quá áp lực khiến cả thầy cô lẫn học sinh đều giảm bớt sự sáng tạo, ít hào hứng trong việc dạy và học, bạn Hoàng Mai (học sinh lớp 10 Trường THPT Việt Đức) chia sẻ: “Các thầy cô nên giảm bớt việc chấm điểm theo bài làm đủ ý, chấm từ 0,25 điểm cho cả các bài Văn theo biểu mẫu. Điều này khiến các học sinh không tìm được hứng thú trong bài học, căng thẳng với việc học mỗi ngày. Hãy cho chúng em cơ hội đến với những sân chơi lớn, những giải thể thao phong trào, các hoạt động Đoàn thực sự có ý nghĩa để chúng em không chỉ thu mình vào chuyện học hành, chìm đắm trong những khó khăn riêng của bản thân”.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, cùng với việc nâng cao tuyên truyền rộng khắp, Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 càng ngày càng được biết đến và cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại hơn. Ông khẳng định: “Đây không chỉ là đường dây nóng, sử dụng khi có sự việc xảy ra mà còn là tổng đài tư vấn. Khi tổng đài này được tuyên truyền phổ biến rộng rãi, đặc biệt trong các nhà trường sẽ góp phần phòng chống bạo lực học đường hiệu quả".

Giải pháp cho nạn bạo lực học đường  - Bài 2: Tư vấn tâm lý trong trường học, cần thực hiện ngay

Nam Hoàng - Lê Sơn/Báo Tin tức
Giải pháp cho nạn bạo lực học đường cần lấy phòng làm chính
Giải pháp cho nạn bạo lực học đường cần lấy phòng làm chính

Ngày 17/4, gần 20.000 đại biểu tham gia ở các điểm cầu Hội nghị trực tuyến do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức đã thể hiện sự đồng tình, quyết tâm cao trong đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN